Giới an ninh châu Âu cảnh báo nguy cơ lớn khi khoảng 3.000 - 5.000 phần tử IS có thể trở về giữa lúc tổ chức này bị áp đảo tại Iraq và Syria.
Foto: Web.de
Lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang bị tấn công liên tiếp khi vòng vây ngày càng siết chặt tại các cứ địa trọng yếu là thành phố Mosul (Iraq) và thành phố Raqqa (Syria).
Trước sức ép của nhiều liên minh như quân đội Iraq, phe nổi dậy Syria, các nhóm vũ trang người Kurd và đặc biệt là liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, có thể hàng loạt tay súng IS gốc châu Âu sẽ phải quay về nước.
Tờ Le Point dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon nhận định:
“Với tình hình hiện nay, có 2 khả năng có thể xảy ra: những tay súng gốc châu Âu tiếp tục tử thủ để bảo vệ thành trì của IS ở Mosul và Raqqa hoặc tổ chức này sẽ gửi họ về nước. Hiện có khoảng từ 3.000 - 5.000 tay súng là công dân các nước EU đang tham chiến ở Iraq và Syria.
Tất cả các cơ quan tình báo của châu Âu đều đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến để có thể sẵn sàng đối phó nếu làn sóng này đổ về”.
Hiện giới an ninh nhiều quốc gia châu Âu đang mở những chiến dịch truy quét quy mô lớn để chặn đứng mọi nguy cơ các phần tử cực đoan trong nước “nội ứng ngoại hợp” với các tay súng về từ Trung Đông.
Hôm qua 16.11, Đức chính thức cấm nhóm Tôn giáo đích thực (DWR) hoạt động tại nước này và tiến hành bố ráp để tìm bằng chứng dính líu tới IS.
Theo Le Point, DWR bị tình nghi là một trong những chân rết chuyên chiêu dụ nhân lực cho IS. Cảnh sát đã lục soát nhiều cơ sở liên quan đến DWR như văn phòng, giáo đường, kho bãi, nhà riêng của các thành viên nhóm này tại thủ đô Berlin và các bang Bavaria, Nordrhein-Westfalen, Hesse...
Nhóm DWR do Ibrahim Abou Nagie, 52 tuổi, người Đức gốc Palestine thành lập vào năm 2005, hiện có khoảng 500 thành viên rải rác ở khoảng 60 chi nhánh trên khắp nước này.
Ông này cũng vừa bị kết án 13 tháng tù giam vì gian lận để nhận khoản trợ cấp xã hội trị giá 53.000 euro. Tuy nhiên, vai trò của Nagie trong mạng lưới IS mới là mối quan tâm chính của cảnh sát Đức.
Lực lượng an ninh đang muốn xác định ngoài việc tuyển mộ các tay súng, DWR có trực tiếp tham gia tổ chức các đợt tấn công ở châu Âu hay không.
Giai đoạn đầu sau khi thành lập, DWR gây chú ý chủ yếu qua việc phát kinh Koran miễn phí cho người qua đường.
Nhưng những năm gần đây, nhóm này liên tục tung ra các đoạn phim truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Nhiều thành viên DWR hiện đã sang Iraq và Syria để tham gia IS.
Giới điều tra sẽ mất khá nhiều thời gian để phân tích toàn bộ các phim ảnh, tài liệu thu thập được trong đợt lục soát vừa qua.
Le Point ngày 16.11 dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière cho biết trong cuộc họp báo: “DWR bị nghi ngờ đã dụ dỗ ít nhất 140 công dân bỏ sang Iraq và Syria để gia nhập IS.
Qua chiến dịch lần này, chúng tôi muốn khẳng định rằng không có chỗ cho Hồi giáo cực đoan ở Đức”.
DWR là tổ chức tôn giáo thứ hai bị cấm hoạt động ở Đức sau nhóm “Nhà nước Caliphate” ở thành phố Cologne vào năm 2001, với cùng lý do là lan truyền tư tưởng cực đoan.
Theo Lan Chi
Báo Thanh Niên