Artur Fischer - nhà phát minh người Đức với hơn 1.100 bằng sáng chế, bao gồm cả đèn flash đồng bộ máy ảnh đầu tiên và những con vít nở đảm bảo cho ốc vít bám chặt vào tường,... đã qua đời vào ngày 27/1 vừa qua tại nhà riêng ở Waldachtal (Baden-Württemberg), thọ 96 tuổi.
Fischer là người đã phát minh ra đèn flash cho nhiếp ảnh sau khi ông nhận thấy những mối nguy hiểm của việc sử dụng ánh sáng flash từ việc đốt cháy magnesium - vốn có thể gây ra hoả hoạn.
Vào năm 1949, ông cũng nghĩ ra một cơ chế đồng bộ giúp kích hoạt đèn flash khi chụp.
Sản phẩm này sau đó được mua lại bởi Agfa, một công ty máy ảnh lớn lúc bấy giờ, trong khi Fischer vẫn tiếp tục bước trên con đường của mình, với sự hình thành của hàng trăm giải pháp cho các vấn đề kỹ thuật suốt 7 thập kỷ tiếp theo.
Năm 1948, ông thành lập công ty của riêng mình.
Sau nhiều thập kỉ phát triển, đơn vị này - giờ đây đã là tập đoàn Fischer bao gồm 42 công ty con với số lượng nhân viên lên đến 4.000 người trên toàn thế giới.
Tập đoàn kinh doanh 14.000 mặt hàng tại hơn 100 quốc gia.
Có không ít các phát minh của Fischer đưa đến sự ra đời của các sản phẩm phụ hữu ích khác.
Chẳng hạn, ông đã áp dụng nguyên tắc đối với những con tắc-kê bắt vào tường để tạo ra một loạt các đinh vít dùng để cố định xương gãy.
Năm 1958, ông đã giải quyết một vấn đề trong xây dựng: làm thế nào để chèn một con ốc vít cho nó bám chặt vào các bức tường. Fischer đã phát minh ra một cái nút cao su với phần đầu được thiết kế tách ra thành nhiều mấu, sau đó nhét vào lỗ khoan.
Số lượng phát minh của ông Fischer thậm chí vượt qua cả Thomas Edison - và phần lớn đều rất thiết yếu với đời sống mỗi người trên thế giới ngày nay.
Số lượng phát minh của ông Fischer thậm chí vượt qua cả Thomas Edison - và phần lớn đều rất thiết yếu với đời sống mỗi người trên thế giới ngày nay.
Khi đưa vít vào, nút nhựa nói trên có khả năng ngăn không cho nó khỏi tuột ra khỏi tường.
Vít càng tiến sâu vào trong, mấu càng nở rộng ra, ép chặt với lỗ khoan. Hai ‘vây’ lớn trên nút có tác dụng chống xoay, cố định nút nằm yên trong lỗ. Đây rõ ràng là một bước tiến lớn ở thời điểm đó.
Ngày nay, khoảng 14 triệu con vít nở của ông được sản xuất mỗi ngày trên khắp thế giới.
“Nếu Bill Gates tạo ra máy tính cá nhân thì Artur Fischer tạo ra những thứ để bạn có thể tự sửa chữa ngôi nhà của mình”, tờ Der Spiegel cho biết.
Một phát minh khác của Fischer cũng không kém phần nổi tiếng là bộ lắp ráp Fischertechnik - đồ chơi trí tuệ hàng đầu tại Đức.
“Tôi quan tâm đến bất kỳ vấn đề gì mà tôi có thể cung cấp cho nó một giải pháp”, ông Fischer nói với tạp chí Technology Review của Đức năm 2007.
Cho đến thời điểm qua đời, lượng bằng sáng chế của ông đã hơn 1.100, vượt qua cả nhà phát minh huyền thoại người Mỹ Thomas Edison, người đã có 1.093 bằng sáng chế.
Điều thú vị là một trong những sáng chế gần đây nhất của Artur Fischer chính là dụng cụ cho phép giữ và cắt phần đầu quả trứng với mọi kích cỡ. Đây thành quả sau hàng chục năm từ khi ông nhận được những phàn nàn từ một người chủ khách sạn về việc thực khách thường xuyên vấy bẩn xung quanh khi cố gắng đập trứng luộc cho bữa sáng (năm 1946).
Để ghi nhận các phát kiến của Fischer đối với nhân loại, Văn phòng Sáng chế Châu Âu đã quyết định trao cho ông giải thưởng Thành tựu trọn đời vào năm 2014.