Quân đội Đức hôm 2/12 tổ chức buổi lễ trang trọng chia tay nữ Thủ tướng Angela Merkel, người đã điều hành đất nước suốt 16 năm qua. Buổi lễ với tên gọi "Grosser Zapfenstreich" là nghi lễ quân sự cấp cao nhất ở Đức dành cho các lãnh đạo dân sự, bao gồm các màn rước đuốc, diễu binh và quân nhạc biểu diễn.
Chia tay các thủ tướng, tổng thống và bộ trưởng quốc phòng bằng một buổi lễ quân sự là truyền thống đã được duy trì từ thế kỷ 16 tại Đức. Giống như những người tiền nhiệm, bà Merkel được phép yêu cầu ba bài hát để ban quân nhạc chơi trong buổi lễ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong buổi lễ chia tay tại Berlin ngày 2/12. Ảnh: AP.
Hai trong ba bài hát là những lựa chọn không gây bất ngờ. Bài thánh ca Cơ đốc giáo từ thế kỷ 18 "Grosser Gott, wir loben dich" (Chúng con ca ngợi tên Chúa) dường như là sự nhấn mạnh đối với nguồn gốc tôn giáo của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo mà bà dẫn dắt, cũng như nền tảng gia đình bà với một người cha là mục sư Tin lành.
Bản ballad "Fuer mich soll's rote Rosen regen" (Cơn mưa hoa hồng sẽ đổ xuống vì em) từ thập niên 1960 của Hildegard Knef là giai điệu da diết về ước mơ và hoài bão của tuổi thanh niên, với lời bài hát chứa các thông điệp tích cực như "Tôi muốn tất cả hoặc không gì cả".
Tuy nhiên, bài hát còn lại do Thủ tướng Merkel chọn, ca khúc từng nổi tiếng ở Đông Đức "Du hast den Farbfilm vergessen" (Anh quên cuộn phim màu rồi) do nghệ sĩ punk rock Nina Hagen thể hiện, có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.
Là một ngôi sao nhạc pop ở Cộng hòa Dân chủ Đức, Nina Hagen đã trở thành biểu tượng nhạc punk của Tây Đức sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Giới quan sát cho rằng bản nhạc này là một lựa chọn độc đáo, nhất là khi Thủ tướng Merkel rất hiếm khi đề cập đến những năm tháng bà lớn lên ở Templin, một thị trấn thuộc vùng Brandenburg ở Đông Đức. Thời còn trẻ, bà đã nghe bài hát, trong đó Hagen than thở tức giận với bạn trai vì chỉ mang theo cuộn phim đen trắng trong một kỳ nghỉ.
"Du hast den Farbfilm vergessen" là một ca khúc từng rất thịnh hành, đến mức nhiều người sống ở Đông Đức cũ vẫn còn thuộc lời, đặc biệt là câu hát nổi tiếng "Sẽ không ai tin rằng nơi đây đẹp như thế nào".
Khoảng 30 năm trước, Angela Merkel, khi đó là bộ trưởng liên bang về phụ nữ và thanh niên, đã gặp ca sĩ Hagen trong một chương trình trò chuyện trên truyền hình. Khi thảo luận về vấn nạn nghiện ma túy, Hagen đã nói thẳng với Merkel rằng: "Tôi chán ngấy với lời nói dối của bà, với thói đạo đức giả của bà".
Theo các nhà phân tích, khi chọn bài hát nổi tiếng của Hagen cho buổi lễ chia tay, Merkel dường như cho thấy bà đã tha thứ và không còn để tâm tới chuyện xưa.
Thủ tướng Đức nói rằng bài hát gợi nhắc đến những năm tháng tuổi trẻ của bà. "Ca khúc là điểm nhấn trong thời tuổi trẻ của tôi. Bài hát đến từ Đông Đức và thật trùng hợp khi nó vẫn được phát ở nơi từng là khu vực bầu cử của tôi", Merkel cho hay.
Nhiều thế kỷ trước, các buổi lễ "Grosser Zapfenstreich" thường diễn ra trong doanh trại quân đội, nơi các binh sĩ say sưa uống rượu và đánh bài. Cuối buổi lễ, một sĩ quan cùng một tay trống và một lính kèn sẽ đi dọc doanh trại, dùng gươm gõ lên thùng đựng rượu để báo hiệu rằng thời gian tiệc tùng đã hết, không ai được phép uống thêm bia rượu. Những người không tuân thủ hiệu lệnh sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc.
Theo thời gian, "Grosser Zapfenstreich" đã thay đổi và trở thành nghi lễ trang trọng như hiện nay, nơi công chúng Đức thường rất quan tâm đến những bản nhạc mà các lãnh đạo lựa chọn tại buổi chia tay. Nhiều bản nhạc trong số đó được xướng lên để khuấy động không khí buổi lễ.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Thomas de Maiziere đã đưa bản hit "Life is Life" của ban nhạc Opus vào danh sách nhạc của ông năm 1985. Đây là một bài hát phổ biến với những du khách Đức tại các điểm tiệc tùng của hòn đảo nghỉ dưỡng Mallorca, Tây Ban Nha.
Khi tổng thống Christian Wulff từ chức chỉ sau 20 tháng vì một vụ bê bối, đám đông tới xem lễ chia tay ông đã đồng loạt thổi kèn vuvuzela để thể hiện thái độ bất mãn. Đội quân nhạc đã phải chơi ca khúc "Somewhere Over The Rainbow" để cố gắng át đi tiếng ồn từ tiếng kèn vuvuzela.
Cựu thủ tướng Gerhard Schröder đã khiến đội quân nhạc gặp khó khăn một chút khi yêu cầu họ chơi bản ballad thập niên 1920 "Mack the Knife" của Bertolt Brecht, "The Threepenny Opera" của Kurt Weill và "Summertime" của George Gershwin.
Tuy nhiên, một bản nhạc thường được các chính trị gia sắp mãn nhiệm rất yêu thích. Bản "Ode to Joy" (Khải hoàn ca) của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven đã được yêu cầu ba lần, trong đó có cựu bộ trưởng quốc phòng Đức và Chủ tịch hiện tại của Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Truyền thông Đức cho rằng ba bản nhạc mà bà Merkel lựa chọn trong buổi lễ chia tay mình không chỉ thể hiện nỗi hoài niệm về quá khứ, mà còn bày tỏ niềm tin tưởng vào tương lai. Đây được coi là một phần trong "năng lực truyền tải thông điệp bằng cử chỉ thay vì lời nói" vốn đã làm nên thương hiệu của bà.
Lời kết trong ca khúc "Cơn mưa hoa hồng sẽ đổ xuống vì em" của Hildegard Knef dường như thể hiện những gì Thủ tướng Merkel muốn làm trong tương lai. "Tôi nên phục tùng, bằng lòng... Tôi vẫn muốn chiến thắng, muốn tất cả hoặc không có gì".
Merkel đã khẳng định sẽ rời bỏ chính trị sau khi mãn nhiệm. Nhưng thông điệp từ bản nhạc cho thấy, đây có lẽ không phải là kết thúc cho hành trình của người phụ nữ 67 tuổi này, bình luận viên Silke Wünsch của DW nhận định.
Vũ Hoàng (Theo DW)