Vào thứ Tư (8/12), Quốc hội Đức sẽ chính thức bầu ông Olaf Scholz làm Thủ tướng tiếp theo của nước này, kết thúc 16 năm lãnh đạo của bà Angela Merkel và mở ra một kỷ nguyên chính trị mới với liên minh trung tả nắm quyền.

Ông Scholz đã lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội giành chiến thắng trước khối CDU-CSU bảo thủ của bà Merkel trong cuộc tổng tuyển cử then chốt vào tháng 9 vừa qua. Trước cuộc bầu cử này, nữ Thủ tướng kỳ cựu Merkel đã tuyên bố ý định rời chính trường sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp tại vị.

Cùng với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do, đảng SPD của Scholz chỉ có một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với dự kiến để thành lập một liên minh hướng tới xây dựng nước Đức xanh hơn và công bằng hơn.

Ông Scholz phát biểu với tờ tuần báo Die Zeit: “Tôi muốn những năm 20 là thời điểm của những khởi đầu mới”, và tuyên bố thúc đẩy “quá trình hiện đại hóa công nghiệp lớn nhất có thể để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu do nhân loại gây ra”.

Việc phe trung tả trở lại nắm quyền tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cùng với một “ông lớn” khác là Pháp tiến tới cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022, có thể thay đổi cán cân chính sách tại một lục địa vẫn đang quay cuồng với Brexit và Covid-19.

Trước khi lên nắm quyền, liên minh “đèn giao thông” của ông Scholz, được đặt tên theo màu sắc của ba đảng, đang vấp phải hàng loạt thách thức lớn từ làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang bùng phát dữ dội.

Không có “lằn ranh đỏ”

1 Nuoc Duc Sap Sang Trang Kho Khan Do Dai Dich Van Bua Vay

Trong khi số giường chăm sóc đặc biệt đang cạn kiệt ở một số khu vực và số ca nhiễm bệnh Covid-19 không có dấu hiệu giảm bớt, ông Scholz và đội ngũ làm việc mới của ông phải chịu nhiều sức ép, trong đó có bà Merkel, về việc phải thông qua các biện pháp hạn chế mới ngay cả trước khi họ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Sau khi Áo làm gương trong việc siết chặt các biện pháp đối phó với Covid-19 và với việc Đức phải nỗ lực đấu tranh để tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đình trệ hiện tại, thì các chính đảng trong liên minh cầm quyền cũng chịu nhiều sức ép phải thực hiện cam kết được đưa ra trước đó là không bắt buộc tiêm chủng.

Sau khi được bầu làm nhà lãnh đạo nước Đức, ông Scholz đã lên tiếng ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc, nói rằng ông muốn các nghị sĩ bỏ phiếu về vấn đề này trước cuối năm và cả nước sẽ thực hiện quyết định này vào tháng Hai.

Ông Scholz thông tin với tờ Die Zeit: “Đối với chính phủ của tôi, không có “lằn ranh đỏ”nào về những gì phải làm. Chúng ta không thể loại trừ bất cứ vấn đề nào. Sự giới hạn không phải là điều chúng ta đặt ra giữa một thảm họa thiên nhiên lớn hoặc một thảm họa y tế như đại dịch.”

Hành động cân bằng

Được tờ nhật báo TAZ mệnh danh là “người kín đáo”, ông Scholz, 63 tuổi, thường được mô tả là người khắc khổ hay cứng nhắc như người máy. Nhưng ông cũng nổi tiếng là một người làm việc tỉ mỉ.

Là người có kinh nghiệm trong chính phủ, ông Scholz là bộ trưởng lao động trong liên minh cầm quyền của bà Merkel từ năm 2007 đến năm 2009 trước khi đảm nhiệm chức vụ phó thủ tướng và bộ trưởng tài chính vào năm 2015.

Tuy nhiên, liên minh ba bên của ông là sự kết hợp đầu tiên như vậy ở cấp liên bang, vì FDP không phải là đối tác truyền thống của SPD hoặc đảng Xanh.

Để duy trì bộ ba này cùng nhau sẽ đòi hỏi sự cân bằng tinh tế, có tính đến khuynh hướng thân thiện với doanh nghiệp của FDP, khuynh hướng xã hội của SPD và nhu cầu của đảng Xanh về tính bền vững.

Theo thỏa thuận liên minh, các bên đã đồng ý thực hiện lộ trình giảm phát thải khí carbon, bao gồm thông qua các khoản đầu tư khổng lồ vào năng lượng bền vững. Nước này cũng đặt mục tiêu không phát sinh thêm nợ mới vào năm 2023. Bộ trưởng ngoại giao sắp tới Annalena Baerbock của đảng Xanh cũng tuyên bố sẽ đưa nhân quyền vào trung tâm chính sách ngoại giao Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Annalena Baerbock cho thấy một lập trường quyết đoán hơn đối với các chính quyền như Trung Quốc và Nga – một tín hiệu khác xa với chủ nghĩa thực dụng đề cao thương mại trong 16 năm cầm quyền của bà Merkel.

Lâu nay, nhiều nhà bình luận đã cáo buộc bà Merkel đặt nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của đất nước lên hàng đầu trong các giao dịch quốc tế. Bất chấp sự chỉ trích này, bà Merkel vẫn giành được sự tín nhiệm cao và được cho là có thể đảm đương nhiệm kỳ thủ tướng thứ 5 nếu bà có ý muốn tại vị.

Nữ chính trị gia kỳ cựu này cũng được nhiều người ngưỡng mộ ở nước ngoài nhờ phong thái lãnh đạo vững vàng dẫn dắt nước Đức vượt qua vô số cuộc khủng hoảng. Khi đồng hồ điểm đến những giờ phút cuối của nhiệm kỳ thủ tướng, bà Merkel vẫn nói rằng việc vượt qua đại dịch là điều đang đè nặng trong tâm trí bà.

Bà Merkel tiếp tục kêu gọi người dân Đức đi tiêm phòng và cảm ơn những người dân đã tuân thủ các quy định tiêm chủng. Bà cho biết: “Các bạn đã thể hiện trách nhiệm công dân thật tuyệt vời đối với đất nước chúng ta. Nếu không có điều đó, không có thủ tướng hay chính phủ nào có thể đạt được thành tựu gì”.

Nguồn: An Bình

Báo Tổ Quốc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC