Lính Ukraina vác vũ khí NLAW tỏng cuộc tập trận ở cùng Donetsk, 15/02/2022. AP - Vadim Ghirda
Các tuyên bố của Đức và Pháp được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden bổ sung 350 triệu đô la viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev.
Trong một thông báo, chính phủ Đức cho biết sẽ chuyển giao cho Ukraina "càng sớm càng tốt" một nghìn tên lửa chống tăng và 500 tên lửa phòng không loại Stinger, cùng với 9 dàn đại pháo di động, để giúp nước này đối mặt với sự xâm lược của quân đội Nga.
Theo một nguồn tin chính phủ, Đức cũng thông báo chuyển cho Ukraine 14 xe bọc thép cũng như 10.000 tấn nhiên liệu. "Các biện pháp hỗ trợ khác hiện đang được nghiên cứu".
Berlin gần đây đã bị chính quyền Kiev chỉ trích nặng nề trong vì đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraina. Chính phủ Đức luôn biện minh cho mình bằng chính sách hạn chế mà họ đã tuân theo kể từ thời hậu chiến, cấm xuất khẩu thiết bị "sát thương" đến các khu vực có xung đột.
Ngay sau Đức, vào tối thứ Bảy, Pháp đã thông báo quyết định chuyển giao thêm thiết bị phòng thủ và hỗ trợ nhiên liệu cho Ukraina. Theo phủ tổng thống Pháp, quyết định đã được thông qua trong cuộc họp của hội đồng quốc phòng tại điện Elysée dưới quyền chủ tọa của tổng thống xung quanh tổng thống Emmanuel Macron.
Theo đại sứ Ukraina tại Paris, Kiev rất cần đến các "phương tiện phòng không" và thiết bị kỹ thuật số.
Ngay từ thứ Sáu 25/02, tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cung cấp bổ sung 350 triệu đô la vũ khí cho Ukraina, lấy từ kho vũ khí của Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, Ukraina đã đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí chống tăng Javelin và tên lửa Stinger để bắn hạ máy bay.
Hoa Kỳ đã trích vũ khí kho của mình để cung cấp cho Ukraina vào mùa thu năm 2021 và sau đó một lần nữa vào tháng 12. Trong năm qua, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 1 tỷ đô la cho Ukraina.
Trọng Nghĩa
RFI