Việc bàn giao được tiến hành hôm 11-10, tức chỉ 4 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht bất ngờ có chuyến thăm không báo trước tới Ukraine, đài RT của Nga dẫn thông tin từ truyền thông Đức cho hay.
Phát biểu khi thăm đột xuất Ukraine, bà Christine Lambrecht đã cam kết sẽ chuyển cho Kiev hệ thống phòng không IRIS-T "trong vài ngày tới". Trước đó vào hồi tháng 6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đưa ra cam kết này nhưng cho biết việc bàn giao dự kiến được thực hiện vào tháng 11.
Tạp chí Der Spiegel của Đức cho biết tổ hợp phòng không tầm trung IRIS-T SLM đầu tiên mà Berlin bàn giao cho Ukraine, gồm: 1 xe chỉ huy, 1 xe radar và 1 xe bệ phóng mang được 8 tên lửa.
"Công tác bàn giao được thực hiện ở biên giới Ba Lan - Ukraine. Động thái này khiến Ukraine sở hữu hệ thống IRIS-T trước cả quân đội Đức" - vẫn thông tin từ tạp chí Der Spiegel cho hay.
Trong phát biểu hôm 11-10, bà Lambrecht nói rằng việc Nga cùng ngày phóng loạt tên lửa vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng của Ukraine cho thấy "tính cấp thiết của việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine một cách nhanh chóng".
Berlin trước đó đã hứa sẽ bàn giao cho Kiev ít nhất 4 hệ thống IRIS-T, theo đài RT.
Một bệ phóng IRIS-T SLM tại Triển lãm Hàng không Berlin ngày 1-6-2016. Ảnh: Wikipedia
IRIS-T có tầm bắn 40 km và đủ sức bắn hạ mục tiêu ở độ cao tối đa 20 km, được thiết kế để bảo vệ những địa điểm trọng yếu trước các cuộc tấn công từ trực thăng, máy bay không người lái hay tên lửa. Mỗi tổ hợp gồm một xe chỉ huy, một đài radar cảnh giới cùng ba xe phóng với tối đa 24 đạn sẵn sàng chiến đấu.
Theo Der Spiegel, quân đội Đức vẫn chưa triển khai bất cứ một hệ thống IRIS-T nào trên mặt đất, trong khi ba hệ thống còn lại cam kết với Ukraine vẫn chưa được sản xuất.
Đức trước đó đã chuyển cho Ukraine 24 hệ thống phòng không tự hành Gepard, 10 lựu pháo tự hành PzH 2000, khoảng 3.000 quả đạn chống tăng Panzerfaust 3 cùng 900 ống phóng, 500 tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger và 2.700 tên lửa phòng không Strela từ thời Liên Xô, cùng nhiều vũ khí cá nhân, đạn dược và vật tư quân sự khác.
Dẫu vậy, đài RT cho biết chính quyền Ukraine trước đó vẫn nhiều lần chỉ trích Đức do dự trong việc tài trợ cho họ vũ khí hạng nặng. Trong khi đó, một thông tin từ Business Insider hôm 8-10 tiết lộ rằng quân đội Đức chỉ còn đủ đạn dược cho hai ngày nếu có chiến tranh.
Bằng Hưng
Nguồn: nld.com.vn