Theo trang tin The Local ngày 19/10, Bộ Nội vụ Đức đã xác nhận việc Quốc hội nước này sẽ thảo luận về dự luật cho phép người mang hai quốc tịch vào tháng 12 tới.
Nguồn tin viết rằng những người ở Đức muốn nhập quốc tịch Đức nhưng vẫn giữ quốc tịch hiện có đã biết thời điểm cơ quan lập pháp Đức tiến hành thảo luận về vấn đề này, đó là trước Giáng sinh năm nay.
Nguồn tin dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Nội vụ liên bang Đức cho biết những người nhập cư muốn ở lại Đức lâu dài cần được trao cơ hội để họ tham gia và đóng góp đầy đủ bằng việc nhập tịch. Việc hiện đại hóa Luật quốc tịch là nhằm tạo ra khuôn khổ phù hợp cho việc này.
Cũng theo người phát ngôn, nhìn chung nên cho phép đa quốc tịch và khi nhập tịch, họ không cần phải từ bỏ quốc tịch trước đó. Theo Bộ Nội vụ Đức, luật mới cũng sẽ rút ngắn thời gian người xin nhập tịch phải sống ở Đức trước khi họ đủ điều kiện nhập quốc tịch.
Thậm chí, những người chứng minh được khả năng hội nhập trong xã hội Đức cũng sẽ có thời gian chờ nhập tịch ngắn hơn, coi đây như một động lực cho họ.
Trong thỏa thuận liên minh cầm quyền năm 2021 giữa các đảng đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh, liên minh “Đèn giao thông” ba đảng này đã tuyên bố ý định cải cách luật nhập cư của Đức để cho phép người nhập tịch có thể mang hai quốc tịch.
Stephan Thomae, một thành viên đảng FDP thuộc Ủy ban Nội vụ Quốc hội Đức cho biết, việc nhập tịch sẽ có thể được thực hiện chỉ sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện nay.
Thậm chí khi chứng minh được khả năng hội nhập đặc biệt, bao gồm kỹ năng tiếng Đức thành thạo, người xin nhập tịch có thể đủ điều kiện chỉ sau 3 năm. Bất chấp việc tiếp nhận số người nhập cư ở mức cao kỷ lục, Đức vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Vào tháng Chín, Bộ trưởng Lao động liên bang Hubertus Heil đã công bố kế hoạch cấp “Thẻ cơ hội” cho công dân nước ngoài đến Đức tìm việc ngay cả khi họ không có lời mời tới Đức làm việc.
Theo đó, người nước ngoài có thể đến sống ở Đức khi đáp ứng được tối thiểu ba trong số các tiêu chí là có bằng đại học hoặc trình độ chuyên môn, kinh nghiệm chuyên môn ít nhất 3 năm; có khả năng ngôn ngữ hoặc từng cư trú tại Đức và dưới 35 tuổi./.
Mạnh Hùng/Berlin (TTXVN/Vietnam+)