Theo tờ Die Welt và báo Welt am Sonntag, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành "hoạt động bí mật ghê gớm" trên lãnh thổ Đức. Các chính trị gia Đức cho rằng, ở nước này hiện có khoảng 6 nghìn người đang cung cấp thông tin cho Cục tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho quân đội Đức dự định hoàn thành vào cuối năm 2016 nhưng đã bị tạm ngừng do bị Thổ Nhĩ Kỳ gây khó dễ.

Cơ sở này bao gồm một sân bay riêng, hàng rào và nhà chứa cho 6 chiến đấu cơ Tornado của Đức tại căn cứ Incirlik cũng như một trung tâm chỉ huy và trại lính. Chi phí cho xây dựng các hạng mục trên vào khoảng 65 triệu USD.

Sai lầm của Berlin: Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ K vào ngõ cụt - 0

Căn cứ Incirlik đang có 240 lính và 6 máy bay Tornado của Đức - Ảnh: SPIEGEL

Chính phủ Đức cũng xác nhận rằng, quy định xây dựng những cơ sở trên chưa được kí bởi Ankara. Các công việc xây dựng bước đầu đã bắt đầu vào nửa đầu năm 2016 nhưng hiện chưa có hạng mục nào hoàn thiện.

Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt của quân đội Đức tại đây được cho là vô cùng hạn chế khi nhà cửa còn bị bám đầy rêu và không có máy điều hòa nhiệt độ.

Những khó khăn của quân đội Đức trong việc sử dụng căn cứ Incirik chỉ là một trong nhiều vấn đề căng thẳng của mối quan hệ Berlin – Ankara trong vài tháng qua.

Mới đây nhất, ngày 3/11, Tổng thống Tayyip Erdogan thẳng thắn cáo buộc, Đức chứa chấp các chiến binh thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) trong ba thập kỷ qua, trong đó có phe cánh tả DHKP-C, từng tấn công vũ trang vào Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters.

"Chúng tôi lo ngại về Đức, nước đã bảo vệ PKK và DHKP-C trong nhiều năm. Đức đã trở thành sân sau của tổ chức khủng bố Gulen", ông Erdogan nói.

Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã gửi một văn bản ngoại giao yêu cầu Đức bắt giữ và dẫn độ những người thuộc tổ chức khủng bố của giáo sỹ Fethullah Gullen (FETO) về nước.

Đây là những người đã ở Đức một thời gian dài và các tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ đều đã ra lệnh truy nã họ. Nhưng Bộ Tư pháp Đức lại từ chối dẫn độ họ.

Theo phân tích chuyên gia an ninh Alexandr Vlasov trước đó, có 4 nguyên nhân khiến quan hệ  Berlin – Ankara trở nên căng thẳng và tồi tệ:

Thứ nhất,

trong chính trị và quan hệ giữa hai quốc gia, có thể nói việc Quốc hội Đức bỏ phiếu công nhận Thổ Nhĩ Kỳ diệt chủng người Armenia trong Thế chiến thứ nhất như "chiếc cốc đã bị mẻ và không bao giờ hàn gắn lại được".

Ông Alexander Vlasov cho rằng, dù sự việc xảy ra đã 100 năm nhưng việc bị “xới lại” và bị quy tội ác diệt chủng là điều Thổ Nhĩ Kỳ khó bỏ qua, không dễ quên đi và tha thứ.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông phương Tây đã liên tục công bố những bài viết chống Erdogan, hăng hái nhất là giới truyền thông Đức, đặc biệt là người Đức còn gọi ông Erdogan là Hitlerdogan, thậm chí còn ra bài hát chế giễu ông dài 2 phút với nhan đề "Erdogi, Erdogo, Erdogan".

Thứ hai,

giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ là về giải quyết vấn đề người tị nạn. Điều làm Berlin cực kỳ khó chịu là Thổ Nhĩ Kỳ không mau chóng thực hiện các điều khoản của thỏa thuận nhằm bảo vệ Liên minh châu Âu trước làn sóng người tị nạn.

Cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã ký thỏa thuận đồng ý nhận lại tất cả những người nhập cư bất hợp pháp vào Hy Lạp qua Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và 3 tỷ euro của EU trong vòng 2 năm nhưng giờ đây ông Erdogan đang đòi 3 tỷ/1 năm.

Có thể nói, bà Merkel đã đặt lên bàn cân của thỏa thuận này cả tương lai lẫn sự nghiệp chính trị. Giờ đây, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang ra thêm yêu sách khiến tương lai của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và cá nhân nữ Thủ tướng Đức đang là một câu hỏi lớn.

Thứ ba,

Erdogan nghi ngờ không chỉ riêng Washington hay Berlin mà tất cả các nước phương Tây đã nhúng tay vào âm mưu đảo chính quân sự bất thành ngày 16/7 vừa qua ở nước này.

Ngoài việc đòi Mỹ dẫn độ nhà truyền giáo đạo Hồi Gulen bị giới chức lãnh đạo Ankara cáo buộc gây nên vụ đảo chính gần đây, các đại diện của MIT (cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ) đã đề nghị đồng nghiệp Đức khởi tố điều tra những ai ủng hộ vị giáo sĩ này.

Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng lên tiếng cáo buộc Đức đang ủng hộ khủng bố bằng việc che chở cho các phần tử theo phong trào Gulen hoặc người Kurd.

Thứ tư,

theo tờ Die Welt và báo Welt am Sonntag, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành "hoạt động bí mật ghê gớm" trên lãnh thổ Đức. Các chính trị gia Đức cho rằng, ở nước này hiện có khoảng 6 nghìn người đang cung cấp thông tin cho Cục tình báo Thổ Nhĩ Kỳ (MIT).

Chuyên gia Vlasov cho biết, chuyện các nước NATO thu thập tin tức tình báo lẫn nhau đã trở thành một thực tế phổ biến.

Việc Đức và Thổ Nhĩ Kỳ mâu thuẫn trầm trọng không thể chỉ ra được là Ankara sẽ rút ra khỏi NATO. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra rằng, trong nội bộ khối đồng minh quân sự này đang có những mâu thuẫn trầm trọng, cũng tương tự như trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Anh Ngọc - theo Welt, Welt am Sonntag, baodatviet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC