Thấy gì về bình đẳng cho lao động nữ ở Đức?Hiện quyền bình đẳng của LĐ nữ tại Đức vẫn còn là chủ đề nóng đối với CĐ và Chính phủ. Ngay từ tháng 10 năm 1949, trong hội nghị thành lập Tổng Liên đoàn Đức (DGB), nhiều diễn giả đại diện cho phụ nữ Đức trong tổ chức CĐ đã lên tiếng đòi các quyền bình đẳng trong đó việc làm, được nhận mức lương ngang bằng nam giới nếu cùng công việc, đòi quyền được BHLĐ.

 

 Nhưng phải đến năm 1952, Cộng hòa Liên bang Đức mới ban hành “Luật Bảo vệ bà mẹ”, quy định LĐ nữ được nghỉ 14 tuần khi sinh con (6 tuần trước khi sinh và 8 tuần sau khi sinh). Đến thập kỷ 60 (thế kỷ XX), CNLĐ tiếp tục đấu tranh mạnh, có sự tiên phong của nữ CNLĐ ngành kim khí, đã được nghỉ 20 tuần khi sinh con; cấm áp dụng trả lương theo sản phẩm và tổ chức LĐ theo dây chuyền với cường độ cao đối với LĐ nữ mang thai. Nhưng phần lớn yêu sách của LĐ nữ mà DGB nêu thành chủ đề đấu tranh đã bị cự tuyệt. Chính quyền liên bang và giới chủ sử dụng LĐ chỉ chấp nhận không tổ chức LĐ theo dây chuyền và trả lương theo sản phẩm đối với phụ nữ đang mang thai, còn thời gian nghỉ đẻ của LĐ nữ vẫn giữ nguyên 14 tuần.

Mặc dù là một quốc gia xã hội dân chủ văn minh và giàu có, nhưng sự phân biệt về trả lương đối với LĐ nữ vẫn nặng nề và dai dẳng ở Đức. Một trong những nguyên nhân là cơ hội học tập và đào tạo nghề cho LĐ nữ đến tận những năm 2000 vẫn không được coi trọng. Tại hội nghị liên bang do DGB tổ chức năm 1964 đã xác định 45% số phụ nữ Đức tham gia thị trường LĐ không qua đào tạo, chỉ có 9% có chứng chỉ nghề, nhưng đến năm 2012 tình hình đã khác, 40% số LĐ nữ ở tuổi 30-34 đã tốt nghiệp đại học, cao hơn 6% so với LĐ nam cùng nhóm tuổi.

Tuy vậy nhiều phụ nữ vẫn coi kết hôn và sinh con là tương lai của họ. Để góp phần giảm bớt khoảng cách giữa LĐ nam và LĐ nữ, năm 2002, DGB có sáng kiến “Ngày phụ nữ - Girl’s Day” và đến 2011 có “Ngày đàn ông - Boy’s Day”. Vào những ngày này, đàn ông tìm hiểu những công việc, những mong muốn, tâm sự… của phụ nữ và ngược lại. Mục đích là để hiểu biết nhau và có chung tiếng nói trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng cho phụ nữ. LĐ nữ ở Cộng hòa Liên bang Đức ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. Nếu năm 1980, DGB có hơn 20% số đoàn viên là nữ thì năm 2013 số đoàn viên là nữ của DGB là 33%. Nhiều phong trào dân chủ xã hội ở Đức bênh vực LĐ nữ nhiều hơn.

Tuy vậy, đến những năm đầu thập kỷ thứ 2 thế kỷ XXI, cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho LĐ nữ ở một quốc gia phát triển nhất giữa lòng Châu Âu văn minh vẫn còn dai dẳng chưa ngã ngũ. DGB thống kê, trung bình một LĐ nữ nhận mức lương thấp hơn 2% so với nam giới khi làm cùng công việc. LĐ nữ ở Đức vẫn còn phải nhận những công việc bấp bênh, ngắn hạn, nhiều rủi ro hơn. 65% số công việc lương thấp do LĐ nữ đảm nhận. Đã vậy, phụ nữ vẫn không rũ bỏ được công việc nội trợ, họ phải chịu áp lực kép. Một học giả Đức đã mỉa mai “vị trí nô lệ trên băng chuyền không giải phóng phụ nữ khỏi vị trí nô lệ trong nhà bếp”.

Minh Hương
Báo Lao Động.

 
 



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC