Tuyên bố của bà Merkel được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh gặp thất bại nặng nề, khi đảng FDP tuyên bố rút lui khỏi cuộc đàm phán.
Việc các chính đảng tại Đức không đạt được thỏa thuận hình thành liên minh là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị ở nước này.
Bà Angela Merkel. Ảnh: BI
Phát biểu trên kênh ZDF, Thủ tướng Merkel khẳng định sẵn sàng đảm nhận cương vị thủ tướng thêm 4 năm nữa. Khi được hỏi về khả năng hình thành liên minh lớn với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập, bà cho biết sẽ chờ phản ứng của đảng này sau cuộc gặp với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier vào 22/11.
Theo bà, mọi yêu cầu đòi bà từ chức vào lúc này đều không phải là cách tốt để bắt đầu một liên minh mới.
Bà Merkel cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục là ứng cử viên hàng đầu của liên đảng bảo thủ CDU/CSU cũng như sẽ tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử mới trong trường hợp phải tổ chức tái bầu cử. Bà nhấn mạnh, nếu được chọn, bà muốn tiến hành cuộc bầu cử mới hơn là lãnh đạo một chính phủ thiểu số.
Truyền thông Đức trước đó đồn đoán rằng liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo của bà Merkel có khả năng sẽ phải liên minh với đảng Xanh, thành lập một chính phủ thiểu số, song một chính phủ như vậy sẽ là không ổn định và cũng không phải là điều mong muốn của Thủ tướng Angela Merkel.
Cùng ngày, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã hối thúc các đảng chính trị xem xét lại lập trường của mình và tìm ra sự thỏa hiệp nhằm thành lập một chính phủ.
Lãnh đạo và quan chức nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng nói về tình hình chính trị ở Đức. Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas bày tỏ tin tưởng rằng, hệ thống chính trị của Đức sẽ là nền tảng để duy trì được tính ổn định, vốn đã trở thành đặc trưng của chính trị nước này.
Pháp bày tỏ hy vọng Đức sẽ vẫn là một đối tác ổn định và vững mạnh để hai nước tiếp tục cùng nhau tiến về phía trước. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hà Lan Halbe Zijlstra cho rằng, việc Đức cần thêm thời gian để lập chính phủ là “tin xấu đối với châu Âu”.
Nguồn: VietNamNet