Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4-11 - Ảnh: REUTERS
Chào đón Thủ tướng Scholz tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày 4-11, ông Tập nói rằng, với tư cách là những quốc gia lớn có ảnh hưởng, Trung Quốc và Đức nên hợp tác cùng nhau nhiều hơn nữa trong "thời kỳ thay đổi và bất ổn" vì lợi ích của hòa bình thế giới.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đánh giá chuyến thăm sẽ giúp hai bên "tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, làm sâu sắc hơn hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực và tạo ra kế hoạch hợp lý cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Đức trong giai đoạn tiếp theo".
Trong khi đó, Thủ tướng Scholz nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông đang tìm cách "phát triển hơn nữa" hợp tác kinh tế giữa hai nước, dù thừa nhận cả hai có "quan điểm khác nhau" trong nhiều vấn đề.
Một nguồn tin Chính phủ Đức tiết lộ với Hãng tin AFP rằng Berlin cũng nhắc đến kỳ vọng phát triển hợp tác kinh tế ở các mảng biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và việc các quốc gia ngập trong nợ nần.
Ông Scholz là nhà lãnh đạo G7 đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đóng cửa biên giới.
Cùng với các quan chức hàng đầu, ông Scholz sẽ có cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình, cũng như Thủ tướng Lý Khắc Cường trong chuyến công du một ngày này.
Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Scholz diễn ra ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Bắc Kinh đang leo thang về nhiều mặt.
Theo AFP, nhiều sự tập trung đang đổ dồn vào việc nền công nghiệp của Đức phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Đầu tàu kinh tế châu Âu này đang xoay xở giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga do chiến sự ở Ukraine.
Mức độ nhạy cảm của vấn đề này càng đậm nét sau một cuộc tranh cãi nổ ra vào tháng 10 vừa qua về việc liệu Đức có nên cho phép Công ty Vận tải biển Trung Quốc (COSCO) của Trung Quốc mua cổ phần tại một trong ba bến cảng của Công ty hậu cần HHLA (Đức) ở cảng Hamburg hay không.
Sáu bộ của Đức đã kêu gọi Thủ tướng Scholz phủ quyết việc bán cổ phần cho COSCO vì lo ngại an ninh. Cuối cùng, thủ tướng Đức quyết định cho phép công ty này mua lại cổ phần, nhưng với số lượng ít hơn.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online