Từng được xem là vị cứu tinh của châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel hiện ở vào hoàn cảnh chính trị hết sức khó khăn. Bà đã cứu người tị nạn Syria, nhưng giờ thì ai cứu được bà?
Bà Angela Merkel đang đối mặt với vô vàn thách thức từ trong nước đến quốc tế. Nguồn: DPA
Cuộc bầu cử nghị viện bang Mecklenburg-Vorpommern ngày 4/9 mang lại một "quả đắng" thực sự cho bà Angela Merkel.
Thủ tướng Đức đã thất bại tại chính bang "người nhà”, với việc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) chỉ cán đích ở vị trí thứ ba. Năm 2016 và 2017 đầy khó khăn đang chờ đợi người phụ nữ quyền lực hàng đầu thế giới này.
Mất uy tín ở Đức
Việc CDU gặp thất bại là minh chứng mới nhất cho những khó khăn mà bà Merkel đang đối mặt trong nội bộ nước Đức. Người dân từ chỗ yêu mến bà, nay đã thay đổi thái độ đáng kể.
Thống kê tháng trước cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Merkel từ 67% năm ngoái đã tụt xuống mức 45%, thấp nhất trong 5 năm qua, theo The Telegraph.
Điều này sẽ ảnh hưởng rất đáng kể tới tham vọng tiếp tục ứng cử của bà Merkel, khi Đức sẽ có cuộc bầu cử vào năm sau.
Vấn đề lớn nhất của bà Merkel chính là tình hình an ninh trong nước, liên quan trực tiếp tới chính sách mở cửa cho người nhập cư của Thủ tướng Đức.
Những cuộc tấn công ở Đức trong năm nay đã đẩy tỷ lệ ủng hộ của bà xuống thấp, tương tự việc các đảng khác tranh thủ thời cơ để bứt lên, đơn cử là đảng Sự thay đổi vì nước Đức (AfD).
Người phụ nữ từng đứng đầu bảng xếp hạng những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Time và Forbes này hiện đang đối mặt với vô vàn thách thức từ trong nước đến quốc tế - Ảnh: DPA
Được thành lập từ năm 2013, AfD đã vươn lên từ 3% ủng hộ đến 12% ngày hôm nay.
Trong bối cảnh bà Merkel và đảng CDU vẫn gặp rắc rối, khả năng AfD tạo ra thay đổi là không nhỏ, theo tạp chí Time.
Nó cũng tạo ra sự hoài nghi, nguy cơ vỡ vụn của liên minh đảng cầm quyền do bà Merkel đứng đầu.
Khuynh hướng cánh hữu của AfD kịch liệt phản đối kế hoạch đón nhận người di cư mà bà Merkel theo đuổi. Vậy nên, chính số phận của người nhập cư - vốn do bà Merkel ra tay hỗ trợ, lại đang quyết định số phận chính trị của bà.
Tờ Time nhận xét rằng hành động nhận người tị nạn của bà Merkel là "dũng cảm, đạo đức nhưng mang rủi ro chính trị cao".
Để đối phó với điều tiếng từ những vụ sự cố an ninh như khủng bố, bạo lực xã hội, Đức đã siết chặt biên giới và giảm được từ 90.000 người nhập cư hồi tháng 1 xuống còn 16.335 người trong tháng 6, theo Reuters.
Tuy nhiên, điều đó không thể giúp bà Merkel lảng tránh được những thiệt hại, một phần do các phe đối lập giật lên, điển hình là vụ sàm sỡ "nhục nhã” trong đêm giao thừa ở thành phố Darmstad, bang Hesse hồi đầu năm.
Các nghi phạm bị bắt đều được cho là người nước ngoài đến từ khu vực Trung Đông, và được biết là người tị nạn.
Cân não ở châu Âu
Điểm sáng hiếm hoi của bà Merkel có lẽ nằm ở kinh tế. Trong lúc cả châu Âu và Liên minh Châu Âu (EU) nói riêng đang gặp trục trặc, kinh tế Đức vẫn tương đối sáng sủa.
Hiện tại, quốc gia này vẫn là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, và là một siêu cường sản xuất.
Thế nhưng, ngành dịch vụ đã sụt giảm khi đóng vai trò thấp nhất trong nền kinh tế Đức sau 15 tháng.
Sự suy yếu của châu Âu nói chung cũng khiến nhu cầu về các mặt hàng Đức yếu đi. Bên cạnh đó, một điều chắc chắn rằng những biến động từ việc Anh rời EU (Brexit) sẽ khiến kinh tế Đức gặp vấn đề.
Đơn giản Anh vẫn đóng vai trò là đối tác xuất khẩu lớn thứ ba của Đức, và mọi thứ sẽ khác đi nếu Anh không còn trong EU, tức sẽ có thay đổi về chính sách ưu đãi thương mại.
Trong khi đó, một hiệp định thương mại tự do EU - Mỹ, Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) lại gần như bế tắc.
Vấn đề quan trọng nữa của bà Merkel là câu chuyện về Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thời gian này, EU và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung xung quanh chuyện miễn thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ đi lại trong khối EU.
Đây là điều kiện trao đổi theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Ankara sẽ là nơi ngăn dòng người tị nạn tràn sang châu Âu, vì nơi này chính là cánh cổng quan trọng để người Trung Đông tiến vào châu Âu.
Mặc dù vậy, bà Merkel và nước Đức - trong thế "anh cả” của châu Âu, lại chưa thể đẩy nhanh tiến độ của cuộc đàm phán. Nội bộ các nước châu Âu vẫn tranh cãi, chưa miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ vì vấn đề nhân quyền, tự do báo chí ở nước này.
Và, một khi cả Ý lẫn Đức đều đang đứng trước sự thay đổi chính quyền, sẽ còn nhiều thách thức ngoại giao và đường lối đang chờ đợi bà Merkel.
Theo DNSG