Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự định sẽ có chuyến công du Canada vào tháng 8 tới để thúc đẩy các dự án khí đốt hóa lỏng (LNG) ở Bờ Đông của Canada và tìm giải pháp cho vụ tuabin khí thuộc sở hữu của Nga bị kẹt ở Montreal vì các lệnh trừng phạt Nga của Canada.
Viện dẫn lý do các tuabin đó – do công ty Siemens Energy của Đức bảo trì tại Canada – bị chậm gởi trả lại, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã giảm 60% công suất của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 chạy dưới biển Baltic tới Đức.
Một phái đoàn thương mại sẽ tháp tùng Thủ tướng Scholz trong chuyến công du Canada vào ngày 22 và 23/8/2022, chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông với tư cách là nhà lãnh đạo của Đức.
Sabine Sparwasser, Đại sứ Đức tại Canada, cho biết một trong những ưu tiên của Thủ tướng Scholz là giải quyết vụ tuabin – hiện nằm trong danh mục các sản phẩm và công nghệ bị hạn chế trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt của Canada đối với Nga.
Năm 2009, Siemens Energy đã cung cấp thiết bị trên cho một trạm nén khí thuộc Nord Stream 1. Những tuabin này được sản xuất tại Canada và cần được gởi lại định kỳ để bảo trì. Dòng khí đốt từ Nord Stream 1 bị cắt giảm ở thời điểm quan trọng, khi châu Âu đang cố gắng bổ sung nguồn dự trữ cho những tháng mùa đông lạnh giá.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, phải, nói chuyện với thủ tướng Canada Justin Trudeau vào ngày thứ nhì của hội nghị thượng đỉnh G7 ở Schloss Elmau, Đức, ngày 27/6/2022. (Ảnh: Getty Images)
Trong chuyến thăm Canada sắp tới, ông Scholtz dự kiến sẽ thúc đẩy các dự án xây dựng hệ thống kho cảng ở Bờ Đông của Canada để cung cấp khí đốt cho châu Âu, với dự án Goldboro LNG của Pieridae Energy Ltd. ở Nova Scotia và dự án Saint John LNG của Repsol SA ở New Brunswick.
Cả hai công ty trên đang nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng hệ thống kho cảng xuất khẩu LNG mới, có thể vận chuyển khí đốt trực tiếp qua Đại Tây Dương tới các thị trường châu Âu. Bà Sparwasser cho biết vốn đầu tư và công nghệ của Đức có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa hai dự án ở Bờ Đông đi vào hoạt động.
Canada hiện không có hệ thống kho cảng xuất khẩu LNG nào đang hoạt động và chỉ có một cơ sở đang được xây dựng: dự án LNG Canada do Shell PLC dẫn đầu, sẽ vận chuyển khí tự nhiên ở dạng lỏng tới châu Á từ Kitimat, British Columbia. Hoạt động xuất khẩu này dự kiến bắt đầu vào năm 2025.
Đức cũng quan tâm đến hydro xanh, trong bối cảnh Canada có tiềm năng xuất khẩu rất lớn đối với mặt hàng này. Các khoáng sản quan trọng của Canada cũng sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận giữa hai thủ tướng Canada và Đức, khi công nghiệp Đức đang tìm kiếm nguồn cung cấp an toàn cho ngành sản xuất xe, hóa chất và công nghệ cao của đất nước.
Nguồn: The Globe and Mail, CBC, 8/7/2022.