Theo nguồn tin ngoại giao của Brussels, lãnh đạo các nước EU sẽ xem xét đề xuất tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa tại hội nghị thượng đỉnh cuối tháng này. Ảnh: Tass
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh trong tuần tới," hãng tin Tass dẫn một nguồn tin ngoại giao của Brussels hôm Chủ nhật cho biết.
Nguồn tin này tiết lộ thêm: “Lãnh đạo các nước EU sẽ thảo luận về đề xuất tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa do chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt của khối đối với Moscow. Quy định pháp lý về tài sản của các tổ chức tư nhân và tài sản của ngân hàng trung ương cũng không giống nhau".
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Đức ZDF rằng EU sẽ tiếp tục thảo luận các giải pháp nhằm sử dụng tài sản bị đóng băng của các doanh nhân Nga để tài trợ cho việc khôi phục Ukraine sau xung đột.
Tuần trước, Lithuania, Slovakia, Latvia và Estonia đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) tịch thu tài sản của Nga bị EU phong tỏa để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine sau xung đột quân sự với Moscow.
EC hôm 18/5 nói rằng có thể kiểm tra xem liệu có thể thu giữ tài sản của Nga bị phong tỏa để tài trợ cho Ukraine theo luật quốc gia và châu Âu hay không, nhưng không đề cập đến dự trữ của ngân hàng trung ương Nga.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi tịch thu các tài sản của Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Moscow để phân bổ chúng cho việc tái thiết Ukraine. Ông Michel cho biết đã nêu đề xuất này với Hội đồng châu Âu để có thể tìm ra “một số ý tưởng khả thi về giải pháp pháp lý phù hợp với các nguyên tắc của chính quyền các nước, tạo điều kiện cho việc tịch thu tài sản của các cá nhân Nga bị EU hoặc các quốc gia khác trên thế giới trừng phạt”. Tuy nhiên, ông Michel thừa nhận để có thể thực hiện được đề xuất của ông là “không đơn giản xét trên bình diện pháp lý”.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, khoảng 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tại thượng đỉnh sắp tới, các lãnh đạo EU cũng sẽ thảo luận về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, trong đó có thể gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ và một chương trình nhằm giúp khối nhanh chóng chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Moscow.
Hôm 27/5, các nước châu Âu đã đạt được một lệnh cấm vận chuyển dầu của Nga bằng đường biển nhưng vẫn cho phép vận chuyển qua đường ống. Đây là động thái thỏa hiệp với Hungary và được kỳ vọng sẽ mở cửa cho những gói trừng phạt mới mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga trong tương lai. Hungary tuyên bố không ủng hộ đề xuất cấm dầu Nga của EU vì cho rằng phương án này sẽ hủy hoại an ninh năng lượng quốc gia.
Nguyễn Phương
Nguồn: kinhtedothi.vn