Ban thư ký nhà nước về các vấn đề kinh tế của Thụy Sĩ (SECO), cơ quan có thẩm quyền cuối cùng về việc cấp phép xuất khẩu vũ khí, xác nhận Đức đã tìm cách tái xuất khẩu đạn dược sản xuất tại Thụy Sĩ sang Ukraine. Tuy nhiên, Thụy Sĩ đã ngăn cản đề xuất của Đức, viện dẫn quy chế trung lập và luật cấm vận chuyển vũ khí tới các khu vực xung đột.
“Cả hai đề nghị của Đức về việc chuyển đạn dược nhận được từ Thụy Sĩ cho Ukraine đều bị bác bỏ do quy chế trung lập của Thụy Sĩ”, người phát ngôn của SECO, ông Michael Wüthrich trao đổi với DW qua e-mail.
Xe tăng Gepard của Đức trong một cuộc diễn tập vào tháng 6/2007 ở Munster, cách Hamburg 80km về phía Đông Nam. Ảnh minh họa: Reuters.
Việc nhà sản xuất ôtô và vũ khí Rheinmetall có trụ sở tại Dusseldorf, chuyên chế tạo xe chiến đấu bộ binh Marder (IFV) cho quân đội Đức, sử dụng đạn dược sản xuất tại Thụy Sĩ rõ ràng đã trở thành một trở ngại cho kế hoạch viện trợ quân sự mới nhất của Berlin cho Kiev.
Quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu vũ khí
Đối với việc xuất khẩu vũ khí, đạn dược cho 1 nước, Thụy Sĩ thông thường đòi hỏi cam kết không tái xuất, dựa trên nguyên tắc đảm bảo quốc gia liên quan sẽ không chuyển các vũ khí, đạn dược đó cho một nước khác mà không có sự đồng ý trước của Thụy Sĩ. Đây là một thực tế được quốc tế công nhận.
Giấy phép xuất khẩu sẽ không được cấp nếu quốc gia nhận vũ khí, đạn dược có liên quan đến một cuộc xung đột vũ trang nội bộ hoặc quốc tế.
“Ukraine hiện đang có xung đột với Nga. Do đó, việc tái xuất khẩu các vũ khí, đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất sang Ukraine không đủ điều kiện được cấp phép. Sẽ không có chuyện miễn trừ để Đức chuyển giao các loại đạn dược có nguồn gốc từ Thụy Sĩ mà họ nhận được từ trước cho Ukraine”, ông Wüthrich cho biết.
Nguyên tắc trung lập
Quy chế trung lập của Thụy Sĩ là trụ cột trong chính sách an ninh và đối ngoại. Điều này có nghĩa là Thụy Sĩ không thể can dự vào một cuộc chiến giữa 2 quốc gia khác và cũng không thể hỗ trợ quân sự cho bất cứ bên nào trong cuộc xung đột, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Luật của Thụy Sĩ liên quan đến xuất khẩu vũ khí và các nguyên tắc chính sách đối ngoại dựa trên Đạo luật về vũ khí đạn dược, theo đó “kiểm soát việc sản xuất và chuyển giao vũ khí, đạn dược và các công nghệ liên quan, trong khi vẫn phải duy trì khả năng công nghiệp phù hợp để đáp ứng nhu cầu của lĩnh vực quốc phòng”.
“Vì đó đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất sẽ được tái xuất sang Ukraine, từ góc độ pháp lý, quyết định của chính phủ là hợp lý”, Jean-Marc Rickli, người đứng đầu bộ phận Rủi ro toàn cầu và mới nổi tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva, nói với DW. Với quy chế trung lập, “việc đồng ý tái xuất khẩu có thể phạm luật pháp quốc tế cũng như luật của Thụy Sĩ”.
Tuy nhiên, Chủ tịch đảng trung tả Dân chủ Thiên chúa giáo tại Thụy Sĩ, ông Gerhard Pfister lại không đồng tình với quyết định này. Trong một tuyên bố trên Twitter, ông nói rằng chính phủ có thể kích hoạt điều 184.3 trong Hiến Pháp, bỏ qua hạn chế về xuất khẩu nếu lợi ích của một quốc gia được đặt lên cao nhất. Trong trường hợp này, điều đó có thể giúp một quốc gia dân chủ châu Âu bảo vệ chính mình.
Trong khi đó, ông Laurent Goetschel, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Basel, đồng thời là Giám đốc viện nghiên cứu hòa bình Swisspeace nói rằng cuộc chiến xảy ra ở rất gần khiến quy chế trung lập của Thụy Sĩ càng trở nên quan trọng hơn cả.
“Chiến tranh càng gần kề, quy chế trung lập của Thụy Sĩ càng cần thiết, cả về mặt lịch sử và an ninh. Ngoại lệ duy nhất là khi một bên tham chiến đại diện cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Khi đó bên đại diện cho HĐBA không được coi là một bên tham chiến theo quan điểm truyền thống mà đóng vai trò như một cảnh sát quốc tế”, ông Goetschel nói với DW.
Cũng từng có ngoại lệ trước đây, đáng chú ý là việc xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia, quốc gia có liên quan tới cuộc chiến chống Houthi ở Yemen. Với quy chế trung lập, ban đầu chính phủ Thụy Sĩ chặn xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia năm 2015. Tuy nhiên những năm sau đó cho tới 2019, Thụy Sĩ có cách tiếp cận cởi mỏ hơn với việc xuất khẩu vũ khí.
Dù vậy, ông Rickli cho rằng, có một sự khác biệt quan trọng ở đây.
“Trung lập chỉ áp dụng trong trường hợp xảy ra cuộc chiến giữa các nước với nhau. Trong trường hợp của Yemen, có sự khác biệt vì nguồn gốc là cuộc nội chiến và chính phủ Yemen đã đề nghị Saudi Arabia trợ giúp đối phó với lực lượng Houthi, do đó trường hợp này không rơi vào hạn chế nghiêm ngặt của quy chế luật trung lập”, ông Rickli nói.
Thụy Sĩ không có ý định “gõ cửa” NATO?
Xung đột Nga Ukraine đã dẫn tới sự thay đổi quan điểm đang kể ở châu Âu. Ít nhất có thể kể tới ví dụ của Đức, khi nước này thay đổi chính sách đối ngoại và hướng tới việc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.
Ở Thụy Điển và Phần Lan, cả 2 đều theo nguyên tắc trung lập, sự thay đổi có thể nhận thấy rõ ràng hơn. Dư luận tại cả hai quốc gia Bắc Âu này ngày càng chấp nhận ý tưởng gia nhập NATO.
Ở Thụy Sĩ, gần như không có bất đồng đáng kể nào về việc có gia nhập NATO hay không. Gần đây, đã có một số chính trị gia từ các đảng cánh tả và cánh hữu kêu gọi tăng cường hợp tác với NATO. Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy Thụy Sĩ có ý định tham gia liên minh quân sự này.
“Tình hình địa chiến lược rất khác nhau. Thụy Sĩ và Áo được bao quanh bởi các thành viên NATO. Ngoài ra, tính trung lập ở Thụy Sĩ không chỉ có chức năng chính sách an ninh, mà còn có chức năng nhận dạng. Ở Thụy Sĩ có các ngôn ngữ khác nhau và các tôn giáo khác nhau. Do đó, điều gắn kết người Thụy Sĩ với nhau là bản sắc chính trị xoay quanh dân chủ trực tiếp, chủ nghĩa liên bang và trung lập”, ông Rickli nói.
Thụy Sĩ sẽ phải từ bỏ nguyên tắc trung lập vĩnh viễn nếu muốn gia nhập NATO. Theo ông Rickli, mặc dù dư luận và chính giới ở Thụy Sĩ chịu tác động nhất định vì cuộc chiến ở Ukraine, nhưng không đáng kể so với những gì diễn ra ở Thụy Điển và Phần Lan.
“Từ góc độ nhận dạng, sự ủng hộ đối với quy chế trung lập vẫn còn rất cao. Từ góc độ chính sách an ninh, cuộc tranh luận bắt đầu thay đổi, nhưng không đến mức thay đổi nhiều ở Phần Lan hay Thụy Điển”, ông Rickli đánh giá.
Hoàng Phạm (biên dịch)
Theo DW
Nguồn: vov.vn