Các lãnh đạo nhóm G7 và châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại lâu đài Elmau ở miền nam nước Đức ngày 26-6 - Ảnh: REUTERS
* Các lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố sẽ đầu tư 600 tỉ USD trong 5 năm tới cho dự án hạ tầng tại các nước đang phát triển và tạo đối trọng với sáng kiến Vành đai con đường ngàn tỉ USD của Trung Quốc.
Nguồn tiền sẽ lấy từ các quỹ nhà nước và tư nhân tại các nước G7. Cụ thể, Mỹ sẽ góp 200 tỉ USD trong khi Liên minh châu Âu sẽ đầu tư 300 tỉ USD, số còn lại sẽ do các thành viên còn lại đóng góp.
Một quan chức ngoại giao Mỹ cho hay sáng kiến trên chủ yếu hướng tới các nước có thu nhập thấp và trung bình. Mục tiêu là hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó các quốc gia tiếp nhận dự án "không bị điều khiển từ bên ngoài" dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.
* Ít nhất 4 người đã thiệt mạng và khoảng 70 người bị thương ngày 26-6 khi một phần khán đài bị sập tại một trường đấu bò ở thị trấn El Espinal, Colombia. Các video được đăng trên mạng xã hội cho thấy phần khán đài lật đổ về phía trước sàn đấu, nơi nhiều người dân địa phương đang tham gia sự kiện chạy cùng những con bò nhân ngày lễ của Thánh Peter và Thánh Paul.
Vàng là mặt hàng sinh lời lớn thứ 2 của Nga - Ảnh: AFP
* Tại cuộc họp của nhóm G7 ngày 26-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc các nước sát cánh cùng nhau đối phó với Nga. Trước đó, 4 thành viên của nhóm đã tuyên bố sẽ trừng phạt xuất khẩu vàng của Matxcơva. Tuyên bố chính thức của G7 dự kiến sẽ được công bố tại cuộc họp này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga sẽ khiến Matxcơva mất đi nguồn doanh thu hằng năm lên đến 19 tỉ USD, bởi đây là mặt hàng sinh lợi lớn thứ 2 của Nga sau năng lượng.
Tuy nhiên, châu Âu phản ứng cẩn trọng với động thái của G7. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng EU sẵn sàng cân nhắc khả năng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga, với điều kiện biện pháp này không phản tác dụng.
* Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẳng định không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga. Ông Ibrahim Kalin - người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, khẳng định Ankara sẽ không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Haberturk ngày 26-6, ông Kalin nêu rõ: "Chúng ta đang thực hiện chính sách cân bằng tốt liên quan đến Nga… Chúng ta sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt và sẽ không tham gia với họ (phương Tây). Chúng ta phải tuân thủ những lợi ích riêng của chúng ta. Nếu mọi người phá hủy những cây cầu, thì người nào sau đó sẽ nói chuyện với nước Nga?".
Ông Kalin chia sẻ: "Quan hệ kinh tế của chúng ta với Nga có đặc điểm là các biện pháp trừng phạt sẽ gây hại nhiều hơn cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ so với nền kinh tế Nga. Chúng ta có quan điểm rõ ràng (về vấn đề trừng phạt)".
Không nhà
Một cậu bé đứng trước ngôi nhà bị phá hủy do động đất ở làng Akhtar Jan, tỉnh Paktika của Afghanistan trong ảnh chụp ngày 25-6. Trận động đất mạnh 5,9 độ Richter xảy ra trước đó 3 ngày đã giết chết hơn 1.000 người, làm bị thương hơn 3.000 người, và khiến hàng chục ngàn người mất nhà cửa ở Afghanistan - Ảnh: AFP
* Ngày 26-6, Sri Lanka cho biết sẽ cử các bộ trưởng đến Nga và Qatar từ tuần này để tìm mua dầu giá rẻ trong lúc trong nước đã cạn kiệt nhiên liệu. Nước này đã mua được 90.000 tấn dầu thô giá rẻ từ Siberia (Nga) vào tháng trước, nhưng cuối tuần qua cho biết đã không còn giọt xăng nào.
Chính quyền Colombo khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng đóng cửa những cơ quan nhà nước không cần thiết và duy trì một lượng nhân viên tối thiểu để giảm thiểu các hoạt động đi lại gây hao tốn nhiên liệu.
* Thăm dò mới nhất cho thấy bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, nhận được nhiều sự ủng hộ nhất trong cuộc đua đến ghế thủ tướng. Đảng Pheu Thai cũng được tin tưởng nhất. Trong khảo sát trên 2.500 người từ ngày 20 đến 23-6, bà Paetongtarn được 25,2% ủng hộ, bỏ xa ứng viên tiếp theo.
Bà Paetongtarn Shinawatra phát biểu tại chiến dịch của Đảng Pheu Thai ở Si Sa Ket ngày 18-6 - Ảnh: Pheu Thai
* Chính quyền khu hành chính đặc biệt Macau tiến hành xét nghiệm bắt buộc lần thứ 3 đối với toàn bộ người dân sau khi ghi nhận tổng cộng 299 ca mắc mới COVID-19 kể từ ngày 18-6.
Theo đó, từ 9h ngày 27-6 đến 18h ngày 28-6, toàn bộ người dân Macau và những người đang có mặt ở Macau đều phải thực hiện xét nghiệm axit nucleic tại các trung tâm xét nghiệm cộng đồng. Trước khi đến điểm xét nghiệm, người dân phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, chỉ những người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính mới được vào nơi xét nghiệm cộng đồng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online