Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Thủ tướng Merkel từ bỏ quyền lực còn dẫn đến tình trạng không chắc chắn đối với Liên minh châu Âu và tăng thêm “độ khó” cho Trung Quốc khi quốc gia này đang muốn đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ đang trên đà gia tăng tại Mỹ cũng như làn sóng phản đối toàn cầu hóa.
Thủ tướng Đức Merkel ngày 29/10 tuyên bố bà sẽ rời khỏi ghế lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đồng thời không tái tranh cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ tư năm 2021. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá bà Merkel đã đóng vai trò quan trọng trong chính trị châu Âu suốt 13 năm qua đồng thời là “đầu tàu” của EU trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhà nghiên cứu Cui Hongjian tại Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho rằng lời đánh tiếng trên của Thủ tướng Merkel đã dấy lên câu hỏi liệu Bắc Kinh và Berlin có thể duy trì hợp tác “thực dụng” giữa hai quốc gia hay không.
Ông Cu Hongjian nêu rõ: “Trung Quốc sẽ lo ngại liệu lãnh đạo mới tại Đức có thể duy trì chính sách từ thời kỳ của bà Merkel”.
Kể từ khi giữ chức vụ Thủ tướng năm 2005 đến nay, bà Merkel đã đến thăm Trung Quốc tổng cộng 11 lần và đã có nhiều cuộc họp chính thức giữa hai quốc gia về vấn đề quan hệ thương mại song phương, hợp tác công nghệ.
Về phần mình, trong nhiều năm trời Trung Quốc đã nỗ lực nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết với Đức nhằm tăng cường quan hệ với EU. Tuy nhiên, hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Trung và Đông Âu qua nhóm “16+1” (Trung Quốc với 16 nước Trung - Đông Âu) đã khiến Đức cảnh giác trong khi các quốc gia khác tại Lục địa già lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh đang cố gây ảnh hưởng tới chính sách của châu Âu về những vấn đề như nhân quyền và Biển Đông.
Ông Cui Hongjian nói: “Đối với Trung Quốc, ưu tiên hàng đầu nên là ổn định hợp tác kinh tế với Đức, vốn tạo lợi ích cho cả hai phía”.
Tuy nhiên, trên thực tế Đức từ lâu chia sẻ chung quan điểm với Mỹ về vấn đề giới hạn thị trường, bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ kém và trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Nhiều nhà quan sát cho rằng việc bà Merkel rời đi cũng đồng nghĩa với khả năng Trung Quốc khó phát triển quan hệ với các thành viên EU khác.
Giáo sư Wang Yiwei tại Đại học Renmin (Trung Quốc) đánh giá: “Hệ thống thương mại đa phương và thế giới đa cực đang đối mặt với thách thức lớn. Trung Quốc cần nhận được ủng hộ của EU, đặc biệt là từ Đức, sau khi Anh rời đi”.
Ông Wang Yiwei cho rằng Trung Quốc thiếu “chính sách ngoại giao hiệu quả đối với phương Tây”. Do đó, ông Wang Yiwei nhận xét Trung Quốc cần có biện pháp rộng mở hơn đối với châu Âu thay vì chỉ tập trung vào một quốc gia.
Trong khi đó, ông Cui Hongjian phân tích rằng Trung Quốc cần cân nhắc cách tránh ảnh hưởng tiêu cực từ thay đổi chính trị trong thời gian tới ở Đức.
Nguồn: Hà Linh
Báo Tin tức