Xe bọc thép Biber (Ảnh: Getty).
Guardian đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 29/7 thông báo, Đức quyết định viện trợ 16 xe bọc thép Biber cho quân đội Ukraine.
"Xe bọc thép Biber sẽ giúp binh sĩ Ukraine vượt qua các vùng nước, vượt chướng ngại vật khi tác chiến. 6 xe sẽ được bàn giao trước trong năm nay, bắt đầu từ mùa thu, 10 chiếc còn lại sẽ giao vào năm sau", thông cáo của Bộ Quốc phòng Đức cho hay.
Biber là xe hỗ trợ quân sự được trang bị hệ thống đặt cầu thay vì tháp pháo, có thể giúp binh sĩ vượt qua mương, suối hoặc các chướng ngại vật khác trên chiến trường.
Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đức bật đèn xanh cho phép công ty quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann sản xuất 100 lựu pháo Panzerhaubitze 2000 cho quân đội Ukraine. Krauss-Maffei Wegmann xác nhận, Kiev đã đặt hàng 100 lựu pháo với giá 1,7 tỷ euro và thương vụ đã được Bộ Kinh tế Đức phê chuẩn hôm 13/7.
Đức đã cấp 9 lựu pháo Panzerhaubitze 2000 có sẵn trong kho cho Ukraine. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Lambrecht đồng ý chuyển 15 pháo phòng không tự hành Gepard cùng với khoảng 60.000 viên đạn cho Ukraine. Đến nay, Ukraine đã nhận bàn giao 5 trong số tổ hợp pháo này.
Quan điểm của chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz về xung đột Nga - Ukraine đã thay đổi đáng kể sau khi Đức vấp phải chỉ trích vì ban đầu từ chối cấp vũ khí cho Ukraine. Hiện giờ, Đức là một trong những quốc gia viện trợ quân sự lớn cho Kiev.
Mỹ cũng đang tăng cường cung cấp khí giúp Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Tuần trước, Nhà Trắng công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 270 triệu USD, trong đó có 4 tổ hợp pháo HIMARS, 580 máy bay không người lái Phoenix Ghost (Bóng ma Phượng hoàng), 36.000 viên đạn pháo cho các lựu pháo M777. Với lô vũ khí và thiết bị quân sự mới nhất, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chi tổng cộng 8,2 tỷ USD để trang bị vũ khí cho Ukraine. Số tiền này được rút ra từ gói 40 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 5.
Trong khi đó, Nga cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục "bơm" vũ khí cho Ukraine, chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ lan rộng. "Những nỗ lực của các vị nhằm bơm vũ khí cho chính quyền Ukraine sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài, gây thêm đau khổ cho người dân Ukraine. Nga sẽ đạt được mọi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine bất chấp việc các vị cố đổ thêm dầu vào lửa bằng việc viện trợ thêm vũ khí", Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky nói.
Nhà ngoại giao Nga một lần nữa nhấn mạnh: "Ukraine chắc chắn sẽ phi quân sự hóa, phi phát xít hóa để chính quyền của họ không còn gây ra mối đe dọa đối với cả Donbass và Nga hay những vùng lãnh thổ đã được giải phóng".
Theo Guardian
Nguồn: Báo điện tử Dân trí