Mỗi năm có hàng nghìn chiếc xe cũ hết hạn sử dụng tại Đức nhưng tuổi đời của chúng không dừng lại ở đó. Rất nhiều xe được đưa tới Hamburg, nơi các lái buôn từ khắp thế giới tụ tập, rồi sang các nước kém phát triển. Số còn lại phục vụ cho những người có thu nhập thấp.
Giống như nước Mỹ, đi xe cũ hay xe mới ở Đức là điều không quan trọng và lượng xe đăng ký mới luôn thấp hơn doanh số xe cũ.
Thế nhưng, chủ nhân của những chiếc xe cũ thường xuyên trong tâm trạng lo lắng bởi cứ hai năm một lần, họ phải mang xe tới cơ quan kiểm định. Tại Đức, TUV là cơ quan có quyền cấp giấy chứng nhận lưu hành về độ an toàn của xe. Nếu một thiết bị nào đó phải thay, chủ xe sẽ phải bỏ tiền mua mới.
Tuy nhiên, thiết bị thay thế ở Đức khá đắt và chi phí cho những yêu cầu của TÜV thường vượt qua giá trị chiếc xe.
Chuyện gian lận đăng kiểm ở Đức là điều không tưởng do chính phủ nước này quy định ghi hạn kiểm định ngay trên biển số xe.
Tem đăng kiểm có cấu tạo kiểu đồng hồ, chính giữa là hai số cuối của năm đăng kiểm (06 là 2006) bên cạnh đó, màu sắc tem cũng chỉ số năm và kim chỉ tháng hết hạn (đánh số ngược kim đồng hồ từ tháng 1 đến tháng 12). Cảnh sát giao thông chỉ cần nhìn vào ký hiệu đó là có thể biết ngày hết hạn và chủ xe chỉ còn cách đưa xe về bãi và nộp phạt.
Vì vậy, những người đi xe cũ thường chọn cách đưa xe vào hãng gán (nếu còn bảo hành) để lấy xe mới, tuy nhiên, giá trị của chiếc xe được hãng trả giá rất thấp.
Lựa chọn thứ hai mà đa số người đi xe cũ chọn là ra “chợ trời” bán lại rồi mua một chiếc xe cũ khác còn hạn đăng kiểm. Những người chọn xe cũ thường là các sinh viên du học, dân nhập cư, người có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp.
Tại Đức, xe cũ có niên hạn sử dụng 5 năm vẫn là hàng xa xỉ với đa số mọi người bởi các hãng xe Đức nổi tiếng với chất lượng cao và bền.
Trên mạng, rất khó để tìm một chiếc BMW cũ sử dụng dưới 5 năm. Những loại xe mà các lái buôn đưa về các nước kém phát triển chủ yếu là đời thấp, có giá khoảng 500 euro.
Mặc dù kiểu dáng cũ, thiết bị khá lạc hậu nhưng điều đó không quá quan trọng. Nếu mặc cả khéo, giá có thể hạ 15-20%. Một số tay mua bán sành sỏi thường bán xe, sau đó ghi nó thành xe mất cắp và tiếp tục rút tiền của các hãng bảo hiểm.
Mánh khoé khác của các tay lái buôn người Đông Âu là mua xe khoảng 300 euro, bỏ tiền thay thế thiết bị khoảng 400 euro rồi đưa vào TUV kiểm định.
Nếu vượt qua, họ sẽ đưa chúng về nước bán với giá cao theo đường chính ngạch còn nếu không, nhập lậu là cách duy nhất. Khó khăn của các lái buôn là đưa hàng qua biên giới Đức, việc còn lại rất đơn giản bởi ở các nước kém phát triển, những chiếc xe đó vẫn “xịn”.
Còn giới đi xe cũ thích nhất những mẫu có phân khối nhỏ, dưới 1,8 lít do đỡ tốn xăng. Các mác xe Pháp, xe Italy, xe Thuỵ Điển rất phổ biến còn những hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn chưa len chân nhiều vào thị trường châu Âu, nên khá hiếm. Một nguyên nhân khác là xe châu Á có khung gầm mỏng nên nhanh hỏng do tiếp xúc với môi trường lạnh và nước muối (rải trên đường để chống đông). Vì vậy, chúng không được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đi chợ xe cũ Đức cũng giống như bất kỳ nơi nào khác.
Thuận mua vừa bán, nếu may mắn, khách hàng có thể “tậu” được chiếc xe ưng ý, ngược lại, chuyện “mắc bẫy” những tay lái buôn ngoại quốc khôn ngoan không phải hiếm.
Kinh nghiệm chọn xe là mua của người chính quốc, dân buôn ngoại quốc thường mông má xe tai nạn, tua lại công-tơ mét để bán với giá hời. Giá xe cùng đời phụ thuộc vào thời gian đăng kiểm.
Nguồn: Trọng Nghiệp
VnExpress