Chính giới và trí thức Âu châu hôm qua đã cùng ký tên trong một lá thư đệ đạt đến Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu đặt vấn đề nhân quyền với thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến ghé thăm nước này vào tuần tới đây. 

 Được biết, vào ngày 15/10/2014 tới đây, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi Đức nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 10 (ASEM-10). Nhân dịp ngày, qua sự vận động của người Việt hải ngoại, 158 vị trí thức trong đó có 20 vị Dân Biểu Liên Bang Đức đã cùng viết thư gửi đến Bộ Ngoại giao Đức đề nghị Bà Merkel khi gặp Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trả tự do cho LS Lê Quốc Quân, cũng như yêu cầu phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo và chấp dứt chiến dịch xoá sạch các cơ sở tôn giáo đang tiến hành hiện nay tại Thủ Thiêm.

Dưới đây là nguyên văn bản dịch : Prof. Dr. Johannes Kals, Eichstraße 44,  67434 Neustadt an der Weinstraße Germany Neustadt, 07.10.2014 Kính gởi Bà Thủ tướng Angela Merkel, Kính thưa Bà Thủ Tướng, Luật sư Lê Quốc Quân là một nhà đấu tranh ôn hòa cho tự do và dân chủ tại Việt Nam.

Ông là một trong những khuôn mặt đấu tranh được thế giới biết đến. Ông bị bắt lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2012 vì bị nhà cầm quyền Việt Nam quy tội trốn thuế. Nhưng thật sự, ông bị bắt vì những hoạt động đấu tranh cho dân chủ. Đứng trước sự phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam, mà điển hình là sự hình thành các diễn đàn dân sự trên internet, sự hình thành nhiều hội đoàn gần đây bất chấp sự trù dập, chính quyền Việt Nam thường sử dụng các điều của Bộ Luật Hình Sự, như tội trốn thuế, để bắt bớ giam cầm những khuôn mặt nổi hầu hy vọng dập tắt sự vươn lên của xã hội dân sự.

Ngày 18 tháng 02 năm 2014, bất chấp sự lên tiếng phản đối của rất nhiều tổ chức NGO quốc tế, các quốc gia Tây Phương, các Định Chế quốc tế, các dân biểu Hoa Kỳ, Âu Châu, Pháp, Canada, Úc, một số Giáo Sư và trí thức tại Âu Châu (xin xem danh sách ở cuối thư), Tòa Án Phúc Thẩm tại Việt Nam đã xử y án, duy trì bản án 30 tháng tù mà Tòa Án Sơ Thẩm đã dành cho Ls. Lê Quốc Quân. Gần đây nhất, nhà cầm quyền Việt Nam đe dọa sẽ san bằng Chùa Liên Trì tại Thủ Thiêm.

Tại đây, từ lâu đời đã có nhiều cơ sở của các Giáo hội như Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (174 năm), Thánh đường Công giáo Thủ Thiêm (154 năm), Chùa Liên Trì của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (hơn 70 năm); gần đây lại có thêm Nhà nguyện của Hội thánh Tin lành Việt Nam, Vườn cầu nguyện của Hội thánh Tin lành Mennonite. Trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 31/07/2014, sau khi kết thúc chuyến đi 10 ngày ở Việt Nam, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, Heiner Bielefeldt đã tuyên bố là "có những vụ vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo". Những vi phạm nghiêm trọng này thể hiện rõ ràng nhất qua chính sách xóa sạch mọi cơ sở tôn giáo tại Thủ Thiêm.

Trong các cơ sở tôn giáo nêu trên, Nhà nguyện của Hội thánh Tin lành Việt Nam, Vườn cầu nguyện của Hội thánh Tin lành Mennonite đã bị san bằng năm 2003 và năm 2010. Ba cơ sở còn lại cũng rất nhiều lần bị ép buộc di dời nhưng họ đã quyết liệt phản kháng. Việt Nam đã ký vào Công Ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2014 – 2016).

Vì vậy, việc Việt Nam tiếp tục quy tội một cách xảo trá và hành động bất nhân đối với những nhà đấu tranh cho dân chủ như Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Tạ Phong Tần và nhiều người khác, là một điều không thể chấp nhận. Ngày 05/02/2014, trong cuộc Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam đang là thành viên, rất nhiều quốc gia đã đặt câu hỏi chất vấn Việt Nam về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam.

Tại cuộc Kiểm Điểm này, Đại Diện của chính phủ Đức đã đưa ra 2 yêu cầu đối với nhà cầm quyền Việt Nam:

1.   Trả tự do tức khắc cho tất cả tù nhân bị bắt bớ tùy tiện và bồi thường thiệt hại cho họ như Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện (Working Group on Arbitrary Detention) của Liên Hiệp Quốc đề nghị.

2.   Triệt để tôn trọng quyền tự do tôn giáo, hội họp và quyền tự do phát biểu trên mạng internet và ngoài đời.

Đây là những yêu cầu chính đáng. Vì vậy, chúng tôi, một số Giáo Sư và trí thức tại Âu Châu đồng ký tên dưới đây, qua lá thư này, xin mạn phép đệ đạt đến Bà yêu cầu sau đây. Xin bà Thủ Tướng:

1.   Nêu trường hợp của Ls. Lê Quốc Quân với ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Việt Nam, trong cuộc hội kiến vào trung tuần tháng 10/2014 giữa bà và ông Dũng.

2.   Cứng rắn và mạnh mẽ yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho ông Quân.

Kính thư, Thay mặt cho các Giáo Sư và trí thức tại Âu Châu Johannes Kals 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC