Gần đây, sau những chấn động ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ gây tâm lý hoang mang cho nhiều người dân ở các vùng phụ cận, câu hỏi về "Khả năng xảy ra sóng thần tại Việt Nam đang ở cấp độ nào" được nhiều người dân quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - PGĐ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) - để tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này.
Việt Nam có nguy cơ sóng thần
Theo các nhà khoa học, hiện có 9 vùng nguồn sóng thần có khả năng ảnh hưởng đến bờ biển nước ta. Trong đó, vùng nguồn nguy hiểm nhất là đới chìm Manila. Hai vùng nguy hiểm khác là vùng nguồn tại đới đứt gãy ngoài khơi Bắc Trung Bộ, nam Hải Nam và vùng nguồn tại đới hút chìm Riukiu (Đài Loan). Còn các đới hút chìm khác có thể tạo ra sóng thần nhưng do tác động che chắn của các đảo, sóng thần không thể lan truyền và ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, hiện nay với chu kì lặp lại hết sức đều đặn của các trận động đất từ 4,7-5,5 độ richter thường xuyên xảy ra tại khu vực bờ biển Nam Trung Bộ (gần đây nhất là Vũng Tàu ngày 23/6), có thể khẳng định, nguy cơ sóng thần ở bờ biển của Việt Nam không cao.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra sóng thần do động đất ở bờ biển Việt Nam là có và cần phải chuẩn bị cho việc đối phó để giảm thiểu thiệt hại nếu thiên tai xảy ra. Ông Phương cho biết, đến thời điểm này, tại trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã có hệ thống cảnh báo động đất bằng hệ thống bản đồ, với đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại nhất.
Khi nhận được tín hiệu từ trung tâm cảnh báo sóng thần khác như trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương hay Nhật Bản… trung tâm sẽ dựa vào 25 kịch bản, cùng hệ thống bản đồ để nhận định hướng đi, độ cao, sức lan truyền… từ đó, đưa ra những bản tin cảnh báo sóng thần đến các địa phương chịu ảnh hưởng của sóng thần, để có cách ứng phó kịp thời. Theo kế hoạch, khi phát hiện động đất ở 3,5 độ richter, trung tâm sẽ gửi thông báo tới những cơ quan có trách nhiệm và liên quan.
Tuy nhiên, ở 25 kịch bản về sóng thần vẫn không có các phương án di dời dân ra khỏi khu vực sóng thần. Lý giải về vấn đề này, ông Phương cho hay, hiện nay các kịch bản này mới chỉ dừng lại ở việc thể hiện được mức độ lan truyền sóng, thời gian truyền sóng và vẽ ra bản đồ ngập lụt mà chưa có các phương án di dời dân. Công việc này sẽ tiếp tục được trung tâm nghiên cứu trong thời gian tới và hiện tại việc di dời dân chúng sẽ do chính quyền địa phương các cấp đảm nhiệm.
Mất 2 giờ sóng thần vào TP Tuy Hòa
Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng 25 kịch bản về sóng thần có khả năng xảy ra theo hoàn cảnh, thời điểm và khu vực cụ thể. Các kịch bản sóng thần được sử dụng để xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần sẽ được xây dựng trên cơ sở dịch chuyển chấn tâm động đất dọc theo đới chìm Manila.
Trong đó, các kịch bản từ 1 đến 17 tương ứng với động đất nằm trên đới hút chìm Manila. Đới hút chìm Manila có tổng chiều dài khoảng 1.150km. Đới này gồm một vài đoạn máng biển chạy gấp khúc dọc theo bờ tây quần đảo Philippines, từ vĩ độ 20 độ Bắc xuống vĩ độ 12 độ Bắc.
Máng biển Manila tạo nên ranh giới mảng hội tụ giữa địa mảng biển Philippines và mảng Sunda chạy từ nam Luzon tới tây nam Đài Loan. Dọc theo đới hút chìm Manila đã ghi nhận được nhiều trận động đất mạnh có magnitude lên đến 8,2 độ Rích ter. Đây chính là đới có nguồn động đất có thể gây sóng thần lớn nhất cho vùng biển Việt Nam. Tuy vậy, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, động đất cực đại trong đới chìm Manila có thể đạt 9,0 độ richter.
Sóng thần sẽ đến sớm nhất và mạnh nhất tập trung vào các tỉnh ven biển Miền Trung Nam Bộ |
Trong khoảng thời gian từ năm 1589 đến năm 2005, trên đới hút chìm máng biển Manila đã xảy ra ít nhất 6 trận động đất làm phát sinh sóng thần, gây nên những thiệt hại về người và của đáng kể. Gần đây nhất, trận động đất xảy ra ngày 12/12/1999 với 6.8 độ richter, gây sóng thần có độ cao từ 1 đến 4 mét tại bờ tây Philippin.
Độ lớn của động đất từ 6,5 độ richter tới 9,0 độ richter. Tuy vậy, các tính toán chi tiết cho thấy rằng động đất có độ lớn nhỏ hơn 8,0 độ richter không gây sóng thần nguy hiểm tại vùng ven biển Việt Nam. Vì vậy, độ lớn động đất các kịch bản được cho là thay đổi trong khoảng từ 8,5 độ richter tới 9,0 độ richter. Động đất trong hai kịch bản kế tiếp nhau có độ lớn chênh nhau 0,2 độ richter.
Hai kịch bản 18 và 19 tương ứng với động đất xảy ra trong đới đứt gẫy Riukiu. Động đất trong đới đứt gẫy Riukiu có độ lớn cực đại là 8,5 độ richter, nhưng để tính sóng thần, đã lấy động đất có độ lớn cực đại là 9,0 độ richter.
Hai kịch bản 20 và 21 tương ứng với động đất xảy ra tại khu vực Tây bắc Biển đông, phía nam đảo Hải Nam. Đới đứt gãy này bắt đầu từ chạc ba đứt gãy phía nam đảo Hải Nam, kéo xuống phía nam dọc theo sườn lục địa phía đông miền Trung Việt Nam. Chiều dài đới đứt gãy khoảng 550 km tính đến đới trượt Tuy Hòa. Tuy nhiên, các biểu hiện đứt gãy còn tiếp tục ở phía nam theo phương kinh tuyến với chiều dài có thể đạt tới 700km. Đây là đứt gãy sâu đóng vai trò ranh giới giữa địa khối Indosini và vỏ đại dương Biển Đông. Các hoạt động chính của nó đã kết thúc vào Miocene sớm.
Các tài liệu địa chấn cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, đứt gãy hoạt động yếu và khó có thể gây ra các trận động đất mạnh. Tuy nhiên, trên các mặt cắt địa chấn ngang qua đới, từ tây sang đông cho thấy trên đới đứt gãy này rất phát triển các đới sụt lớn về phía biển thẳm. Các trận động đất nhỏ năm 2005 ngoài khơi Vũng Tàu có liên quan đến đứt gãy này. Các tính toán cho thấy, vì là đứt gãy trượt bằng, động đất có độ lớn 7,5 độ richter không gây sóng thần đáng kể, vì vậy chỉ động đất trên 7,5 độ richter mới được lưu ý.
Các cán bộ ở Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần trực liên tục 24h/7ngày để cập nhật các thông tin về động đất và sóng thần trên khắp thế giới và sẽ đưa ra các dự báo cho Việt nam khi có dấu hiệu nguy hiểm |
Các kịch bản từ 22 đến 24 tương ứng với động đất vùng nguồn phía Bắc Philippines và nam Đài Loan. Động đất tại khu vực này có khả năng có độ lớn cực đại 8,2 độ richter. Cũng tương tự như đới hút Manila, động đất có độ lớn nhỏ hơn 8,0 độ richter không gây ra sóng thần đáng kể với cùng biển Việt Nam, nên các kịch bản ở đây được xây dựng với động đất có độ lớn 8,0 độ richter và 8,2 độ richter.
Kịch bản 25 tương ứng với động đất tại các khu vực tây Biển Đông, ngoài khơi Nam Trung Bộ. Động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 7,0 độ richter. Vì thế chỉ có một kịch bản động đất với độ lớn 7,0 độ richter được sử dụng ở đây. Vì đây là đứt gãy trượt bằng, động đất có độ lớn này không gây ra sóng thần đáng kể ở bờ biển Việt Nam.
Thời gian lan truyền sóng thần từ nguồn máng biển Manila Bắc đến các thành phố ven biển Việt Nam |
Các kết quả này cho thấy, các thành phố thuộc bờ biển miền Trung Việt Nam sẽ là những địa điểm đầu tiên phải hứng chịu sự tấn công của sóng thần. Thời gian lan truyền sóng thần từ nguồn tới miền trung Việt Nam dao động trong khoảng trên dưới 2 giờ đồng hồ. Dải ven biển miền Bắc Việt Nam từ Đồng Hới trở ra có thời gian lan truyền trên 5 giờ đồng hồ. Các thành phố thuộc dải ven biển miền Nam Việt Nam từ Phan Thiết trở vào cũng chỉ đón đợt sóng thần đầu tiên sau 4 giờ đồng hồ.
Đặc biệt, kết quả của nhiều kịch bản đều cho thấy, điểm đến đầu tiên của sóng thần từ các nguồn đã xác định đều tập trung vào Tuy Hòa, một thành phố duyên hải miền Trung Việt Nam.
Theo VTCNews.