Mức lũ tại Hà Tĩnh đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1978, miền Trung có 31 người chết, 23 người mất tích. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các tỉnh tập trung cứu dân vùng ngập và khẩn cấp đối phó với khả năng siêu bão đổ bộ.
Chiều 18/10, tại cuộc họp trực tuyến đối phó với lũ bão, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, từ 14/10 đến nay, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, phổ biến 500-700 mm, nhiều nơi như Cửa Hội, Nam Đàn (Nghệ An), Cẩm Nhượng, thị xã Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) tới 900 mm.
"Một số khu vực đầu nguồn sông các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố mưa lớn nhất từ trước đến nay. Lũ trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đã là 16,5 m, vượt báo động 3 tới 3 m, vượt cả đỉnh lũ lịch sử năm 1978. Điều nguy hiểm là trận lũ mới này chỉ cách trận lũ trước chưa tới một tuần", ông Tăng nói.
Giám đốc Tăng nhận định hôm nay và ngày mai, từ Hà Tĩnh trở vào mưa giảm, tại Nghệ An và nam Thanh Hóa tiếp tục có mưa to. Lũ tại khu vực này sẽ tiếp tục lên. Phải đến trưa chiều 20/10, mưa mới giảm.
Là tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt lũ này với 12 người chết, 2 người mất tích, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho hay 178 xã của 12 huyện thị trong tỉnh bị ngập, trong đó có 105 xã với trên 93.000 hộ dân bị ngập sâu, chia cắt. Diện tích sản xuất nông nghiệp và thủy sản bị xóa sổ hoàn toàn.
"Đường bộ, đường sắt, điện và cả hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt. Ngoài một hồ đập bị vỡ, hiện tất cả hồ đập khác đều có nguy cơ nước dâng cao và tràn", ông Cự thông tin.
Để cứu trợ dân vùng ngập sâu, tỉnh đã đưa xuống dân 45 tỷ đồng, 100 tấn mì tôm cứu trợ của Chính phủ. Khoảng 10.000 bộ đội, công an và dân quân tự vệ đã giúp sơ tán 17.000 hộ với 68.000 dân vùng ngập sâu đến nơi cao ráo.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ chi viện 5.000 tấn gạo, 30 xuồng cứu hộ công suất 90 CV và 3 xuồng y tế để sơ tán dân vùng ngập lũ", ông Cự kiến nghị.
Từ Nghệ An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Chi cho hay, mưa rất lớn, tất cả hồ đập trên địa bàn đều tràn, có nơi tràn tới đến 1-1,5 m. Hơn 20.000 dân của 21 xã thuộc 5 huyện bị ngập sâu. Vụ thu đông bị xóa sổ hoàn toàn.
"Đại hội Đảng bộ của tỉnh dự kiến kéo dài hết ngày 17/10, nhưng cuối cùng đã phải rút ngắn nửa ngày để đi chỉ đạo phòng chống lụt bão", ôn Chi thông tin và đề nghị Chính phủ chi viện 20 xuồng cứu hộ, 5.000 áo pháo, 5.000 tấn gạo để kịp thời chi viện cho nhân dân vùng lũ.
Đường vào xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An mênh mông nước. Ảnh: Hà Khoa.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu lực lượng cứu hộ các tỉnh cần khẩn trương tiếp cận dân vùng ngập lụt. "Ngoài việc chăm lo khẩu phần ăn, nước uống, cần quan tâm tới cái mặc cho bà con. Rút kinh nghiệm từ đợt lũ đầu tháng, có nhiều người chết vì rét do ngâm nước lâu ngày", ông Hải nói.
Ông Hải cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phân luồng tại những điểm ngập úng, kiểm tra hư hỏng đường sá ngay sau khi lũ rút. Bộ Y tế cần cấp ngay thuốc theo yêu cầu của Nghệ An, Hà Tĩnh. Lực lượng công an, bộ đội tiếp tục được duy trì để giúp dân khôi phục sản xuất sau lũ.
Theo tổng hợp từ các tỉnh, mưa lũ từ ngày 14 đến 17/10 đã làm 31 người chết, trong đó Nghệ An 12; Hà Tĩnh 13; Quảng Bình 5; Thừa Thiên Huế một người chết. Ngoài ra, tại Hà Tĩnh còn 20 người mất tích trong vụ lật xe sáng nay tại Hà Tĩnh. Tại Quảng Bình có một người và Thừa Thiên - Huế 2 người mất tích.
Tại Nghệ An, gần 80.000 học sinh không thể tới trường vì giao thông tê liệt. Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường cho các em nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng.
Theo VnExpress.