60% nạn nhân buôn người phải tự cứu mìnhTại buổi thảo luận về dự án Luật phòng chống buôn bán người hôm qua (23-8), các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lo ngại - nạn buôn bán người ở Việt Nam vẫn gia tăng, với tính chất phức tạp hơn.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong các vụ buôn bán người, có tới 60% số nạn nhân đã phải tự giải cứu mình khỏi bọn buôn người.

Cần phân định rõ hành vi

Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo phân biệt rõ hành vi mua bán (do hoàn cảnh khó khăn phải bán con, hoặc không sinh được phải mua con) với hành vi buôn bán người vì lợi nhuận.

“Mua bán con người tức là biến con người thành hàng hóa. Nhưng có trường hợp ở miền núi tự nguyện bán: Đẻ nhiều, nhà thiếu tiền thì bán! Có trường hợp như ở TPHCM, người ta bán người ngay từ khi còn trong bào thai… Chính vì thế, phải có những quy định phù hợp với tính chất hành vi”- Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Lê Quang Bình nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị làm rõ các hành vi mua bán người trong nội địa Việt Nam, mua bán người có yếu tố nước ngoài, và trường hợp lợi dụng địa phận Việt Nam để phạm tội.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói rằng, 5 năm qua số vụ mua bán người gia tăng, có thể nói là nghiêm trọng. Để phòng ngừa nạn mua bán người, cần phân tích, làm rõ đặc thù nạn buôn bán người tại Việt Nam. Chẳng hạn, tại sao có tới 60% số vụ buôn bán người sang Trung Quốc, tội phạm chủ yếu xảy ra tại các tỉnh biên giới, có yếu tố quốc tế hay không?

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm nhận định, nạn buôn bán người ở Việt Nam rất phức tạp, có lý do chúng ta ở gần Trung Quốc - một nước mất cân bằng về giới tính. Bên cạnh đó, ở các nước trong khu vực như Lào, Cam pu chia, vấn đề buôn bán người thường được xử lý nhẹ hơn. Nạn buôn bán người quốc tế cũng ảnh hưởng đến nước ta.

Trách nhiệm còn chung chung

Dự án luật tập trung vào các nhóm vấn đề trong phòng, chống mua bán người như nguyên tắc, chính sách và biện pháp phòng, chống mua bán người; quyền, nghĩa vụ của nạn nhân; các hành vi bị cấm; vấn đề tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế...

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho biết, có rất nhiều văn bản quy định liên quan lĩnh vực chống mua bán người. Vấn đề là phải xác định rõ hành vi mua bán như thế nào để có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Nhưng dự luật còn chung chung, nhiều quy định rất khó hiểu. “Quy định toàn xã hội có trách nhiệm đối với việc phòng, chống mua bán người, nhưng cuối cùng chẳng thấy ai chịu trách nhiệm. Một cô bé bị mua bán, bị giam cầm bao nhiêu năm nhưng chẳng thấy ông nào hỏi đến!”- Ông Vượng nói.

Soi vào thực tế địa phương như Quảng Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, có một số vấn đề cần tháo gỡ ngay: Nhiều nạn nhân bị bán qua biên giới, sau đó họ trở về nước nhưng do các quy định nên sự trở về đó bị coi là bất hợp pháp. “Đi bị ép, bị bán. Nhưng về không được tiếp nhận.Vậy phải có quy định về trường hợp đó, nếu không các cơ quan chức năng rất khó xử lý”- Ông Hiền đề nghị.

Chiều qua, UBTVQH cũng thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo TP.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC