Ăn chay, uống bia, tiếp sức học trò nghèo đến trườngChristoph Feidkotter tới Trà Vinh theo dự án giảm nghèo vùng nông thôn cách đây ba năm. Christoph Feidkotter nói: “Ở đây giống như ngôi nhà của tôi, mọi thứ ở chung quanh đây”.

Christoph khéo léo giới thiệu đồng sự Nguyễn Thị Huyền Linh, một người Đức gốc Việt: “Tháng 9.2007, hình như đến Trà Vinh chỉ có hai chúng tôi là người nước ngoài”. Christoph nhớ thời điểm đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Trà Vinh là 31%. Hiện nay, còn khoảng 21%. Christoph nói: “Tới nay cầu Rạch Miễu, Bến Tre làm xong rồi, phà từ Bình Phú nối Trà Vinh – Bến Tre, mọi việc thuận lợi hơn nhiều. Người đến “Trà Vinh chúng tôi” cũng dễ hơn trước”. Anh nhận xét vì khủng hoảng kinh tế, một số lao động trẻ từng rời Trà Vinh đi thành phố, vào khu công nghiệp tìm việc thì nay họ đã quay về theo đường này. Một số công ty bắt đầu về Trà Vinh đầu tư, sử dụng nhiều lao động tại chỗ như công ty Mỹ Phong, Sài Gòn Mekong, mới đây là một công ty làm bàn chải đánh răng.

“Khi làm việc cho uỷ ban Sông Mekong (MRC) tại Lào, tôi biết Trà Vinh là tỉnh nghèo nhất đồng bằng sông Cửu Long, lúc đó tôi suy nghĩ làm gì để giúp tỉnh nghèo và làm sao trực tiếp đến với những con người nghèo khó này”, Christoph nói. GTZ và IFAD (tổ chức nông nghiệp quốc tế, trụ sở tại Ý) có một chương trình dài hạn giúp tỉnh nghèo và suy nghĩ của người điều hành dự án là phải đào tạo, huấn luyện cộng đồng. Christoph nói anh tâm đắc khi nhìn ra sự trùng hợp này.

Khó khăn đầu tiên khi anh đến đây là những khác biệt văn hoá. Ở Đức triết lý thảo luận nhiều hơn, muốn đối chiếu những khía cạnh khác nhau. Họ tranh luận vì chính kiến và không học thuộc lòng. Ở Đức, cách cư xử không phụ thuộc vào tuổi tác, nhưng ở đây tôn trọng người lớn tuổi là nguyên tắc ứng xử. Đôi khi những khác biệt văn hoá cũng làm cho anh không hài lòng ví dụ khi lãnh đạo một dự án muốn nghe ý kiến các nhân viên, ngược lại các nhân viên chỉ biết chờ xem lệnh tới đây của lãnh đạo là gì. Tương đồng văn hoá gần như duy nhất là người Đức và người Trà Vinh đều thích… uống bia.

Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm nét tương đồng văn hoá của Christoph vẫn diễn ra dịu dàng, êm thấm có lẽ nhờ Huyền Linh. Hai người biết nhau ở Đức và khi cùng làm việc tại Trà Vinh, họ bắt đầu cảm nhận mỗi người là một nửa kia của nhau. Linh là người giúp Christoph ngộ ra những món ăn chay mà theo anh ở Đức, cả đời cũng không biết được. Linh và Christoph có một “túp lều tranh hai quả tim vàng” ở cách thị xã Trà Vinh 4km. Trong những bữa ăn tối, trong túp lều tranh, Linh và Christoph hay bàn thảo cách nuôi dưỡng ý định thiện nguyện nằm ngoài các dự án. Từ khoản tiết kiệm của mình, khoản quyên góp từ bè bạn, hàng tháng họ gởi những món tiền vừa đủ để tiếp sức cho các em học trò nghèo, hiếu học đến trường. “Khi học hành đến nơi đến chốn, các em sẽ tự lo bản thân và gia đình. Chỉ có giáo dục mới giúp các em thoát nghèo”. Từ ý nghĩ đó, Christoph và Linh đã từng âm thầm chắp cánh ước mơ cho những trẻ nghèo, hiếu học ở Trà Vinh hơn một năm rưỡi nay.

Theo SGTT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC