Dành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa diễn ra tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay bà và các cộng sự sẽ làm thế nào để chèo chống nền kinh tế Đức, tăng thêm việc làm hay đưa ra các đướng hướng bang giao...
Merkel - Thủ tướng của nhiều kỷ lục
Bà Merkel, tên thật là Angela Kasner sinh ngày 17/7/1954 tại thành phố cảng Hamburg, Tây Đức. Cha bà là một mục sư Tin lành và mẹ là một giáo viên tiếng Anh. Chỉ 6 tuần sau khi bà ra đời, cả gia đình chuyển tới thành phố Templin, Đông Đức, cách Berlin 80km.
Khi lớn lên, bà Merkel chọn chuyên ngành vật lý tại trường Đại học Leipzig để theo học từ năm 1973 đến 1978. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà vào làm việc và tiếp tục nghiên cứu tại Viện Hóa lý tại Viện Hàn lâm Khoa học từ năm 1978 đến 1990. Tại đây, bà đã nhận bằng tiến sỹ vật lý. Bà có thể sử dụng tiếng Nga một cách thông thạo.
Bà kết hôn với nhà vật lý Ulrich Merkel trong thời gian nghiên cứu tại Viện Hàn lâm và chuyển sang họ chồng. Cuộc hôn nhân này sau đó đã sớm chấm dứt năm 1982. Đến năm 1998, bà tái hôn với giáo sư hóa học Joachim Sauer nhưng tiếp tục giữ họ Merkel của người chồng cũ.
Bà Merkel gia nhập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl vào cuối những năm 1980. Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, chính ông Kohl đã lựa chọn bà làm Bộ trưởng Các vấn đề Phụ nữ và Thanh niên. Tới năm 1994, bà được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Môi trường và An toàn hạt nhân.
Sau thất bại của ông Helmut Kohl trong cuộc bầu cử năm 1998, bà Merkel trở thành Tổng thư ký của CDU. Năm 2000, bà đã chính thức trở thành người đứng đầu CDU sau khi nội bộ đảng xảy ra vụ scandal quỹ đen buộc ông Helmut Kohl phải từ chức Chủ tịch đảng.
Trong cuộc bầu cử năm 2005, bà đã làm nên lịch sử khi chiến thắng đương kim Thủ tướng Gerhard Schroeder. Trở thành Thủ tướng Đức, bà Merkel đã giữ một loạt kỷ lục như: nữ Thủ tướng Đức đầu tiên, Thủ tướng Đức trẻ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2, Thủ tướng Đức đầu tiên sinh sau Thế chiến thứ 2, Thủ tướng nước Đức thống nhất đầu tiên trưởng thành tại Đông Đức và là người đứng đầu chính phủ Đức đầu tiên có bằng cấp một ngành nghiên cứu khoa học tự nhiên.
Thách thức phía trước
Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp Sarkozy
Lựa chọn đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đảng có quan điểm tự do kinh tế, làm đồng minh trong chính phủ mới, Thủ tướng Merkel dường như đã có sự đồng thuận trong nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia chính trị cho rằng, nhiều chông gai vẫn còn đang chờ tân chính phủ Đức phía trước.
Về đối nội, dưới liên minh cầm quyền cũ với đảng Dân chủ Xã hội (SDP), Thủ tướng Merkel đã phải can thiệp nhiều vào các ngành công nghiệp chính của đất nước để giữ được việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, đối tác mới trong chính phủ là FDP, chủ trương tự do kinh tế, lại phản đối sự can thiệp quá sâu của chính phủ vào hoạt động của các tập đoàn kinh tế.
Chủ tịch FDP, Guido Westerwelle cho rằng, biện pháp kích thích kinh tế mà chính phủ Đức áp dụng trong thời gian gần đây là “quá hào phóng” và không đi vào thực chất hỗ trợ các doanh nghiệp. FDP muốn chính phủ mới tiến hành các biện pháp cắt giảm thuế mạnh mẽ hơn nữa, nhằm đưa các doanh nghiệp Đức khắc phục hoàn toàn những hậu quả xấu của khủng hoảng, tiếp tục duy trì vị thế của một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Nhưng trong cam kết tranh cử vừa qua, chính bà Merkel đã nhấn mạnh kế hoạch tạo thêm nhiều việc làm, giảm thuế thu nhập, tăng ngân sách dành cho phúc lợi, áp dụng mức lương tối thiểu. Ngoài ra, hiện nay đã có sự chênh lệch đói nghèo rất rõ rệt tại Đông và Tây Đức. Nếu xử lý không thỏa đáng, đây có thể sẽ là một vấn đề gây rắc rối cho chính phủ Đức trong thời gian tới.
Vấn đề tiếp nữa là chương trình điện hạt nhân của Đức. Theo kế hoạch được vạch ra từ chính phủ của cựu Thủ tướng Schroeder, nước Đức hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn điện hạt nhân vào năm 2020. Ngay từ đầu, mục tiêu của kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng do điện hạt nhân vẫn chiếm tới 25% nhu cầu điện năng của nước Đức, trong khi đó, các công nghệ thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vẫn chưa chứng minh được tính kinh tế.
Hơn thế, Berlin đang phải hứng chịu sự chỉ trích của nhiều nước, trong đó có các đồng minh phương Tây do năng lượng hạt nhân được đánh giá là một biện pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng khí thải nhà kính trên phạm vi toàn cầu – mục tiêu mà cả thế giới đang theo đuổi.
Sau khi lên nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ đầu vào năm 2005, bà Merkel đã nhiều lần ám chỉ việc thay đổi kế hoạch đã định nhưng việc này dường như là không thể do những thỏa thuận trong khuôn khổ liên minh với SDP.
Sau cuộc bầu cử lần này, với sự ủng hộ của FDP, nhiều khả năng chính phủ Đức sẽ lại nêu ra vấn đề thay đổi kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, việc này chưa chắc đã dễ dàng do các đảng SDP và đảng Xanh, vẫn chiếm một số lượng tương đối trong quốc hội Đức, chắc chắn sẽ phản đối quyết liệt nếu chính phủ định thay đổi mục tiêu năm 2020 của kế hoạch.
Về đối ngoại, vấn đề bận tâm lớn nhất hiện nay của Berlin có lẽ là Afghanistan. Với 4.200 quân, quân đội Đức hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh phía bắc Afghanistan cũng như huấn luyện cho quân đội còn non trẻ của đất nước này.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Đức phản đối sự có mặt của con em họ trong thành phần lực lượng NATO tại Afghanistan. Hơn thế nữa, việc cử quân đội tham chiến tại đất nước Trung Á này đã làm nước Đức phải đối mặt với hàng loạt lời đe dọa tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan – một hệ lụy mà những nhà làm chính sách tại Berlin không hề mong muốn. Trong khi đó, Washington liên tục thúc giục Berlin tiếp tục ghé vai gánh đỡ sức nặng từ chiến trường nóng bỏng này.
Theo thông lệ trên chính trường Đức, người đứng đầu phe thiểu số trong liên minh cầm quyền sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Liệu ông Westerwelle có giúp bà Merkel giải quyết ổn thỏa vấn đề Afghanistan hay không vẫn là câu hỏi lớn.
Theo Spiegel, TIME.