Thấy nữ du khách nước ngoài ngồi hóng mát bên kệ bồn hoa ở công viên 23/9, Thùy Minh lân la đến bắt chuyện. Ít phút sau, vài bạn trẻ cũng ùa tới nhanh chóng tạo nên cuộc trao đổi khá rôm rả bằng tiếng Anh.
Ban đầu câu chuyện xoay quanh tên tuổi, quốc tịch, nghề nghiệp..., nữ du khách tỏ vẻ hơi ngại ngùng. Sau một hồi hàn huyên về công việc, học hành, cô hiểu được thiện ý của các cô cậu này và cởi mở nói chuyện hơn.
Cứ thế, cuộc chuyện trò kéo dài đến hơn cả giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng, vài bạn tranh thủ lấy giấy bút ghi lại những từ mới chưa được học. Có bạn còn cẩn thận nhờ nữ du khách kiểm tra lại từ viết trong vở đúng chưa và hỏi rõ cách phát âm. Lúc này, người phụ nữ đã không còn lo ngại mà thích thú chỉ dẫn các bạn trẻ Việt Nam. Với cô giáo "bất đắc dĩ" này, đây cũng là cách cô biết thêm vài nét văn hóa Việt.
Cách đó không xa, một nhóm khác cũng đang trò chuyện với cặp vợ chồng già người Anh mà họ đã làm quen với nhau từ nhiều ngày trước. Những du khách đến Sài Gòn bỗng trở thành các "thầy giáo" của giới trẻ ham học tiếng nước ngoài.
Khoảng 16h mỗi buổi chiều, khu vực công viên 23/9, trung tâm quận 1, trước chợ Bến Thành lại nhộn nhịp bởi rất nhiều bạn trẻ tìm đến, gặp gỡ và trò chuyện với các vị khách nước ngoài. Những "lớp học" di động kiểu này có thể diễn ra ở bất cứ đâu, trên ghế đá, kệ bồn hoa, hay trong các chòi nhỏ của công viên, ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Vài du khách nhiệt tình, chiều nào cũng đến công viên để giao lưu với các bạn bằng tiếng Anh.
Biết được "lớp học" thú vị này, nhiều sinh viên ở tận các quận ngoại thành: Thủ Đức, quận 9,12... cũng lặn lội vào trung tâm thành phố, tìm kiếm cơ hội học tiếng Anh miễn phí với người nước ngoài.
Nguyễn Tiến Đạt, sinh viên năm cuối khoa CNTT ĐH Hùng Vương ở tận quận Tân Phú nhưng chiều nào cũng bắt xe buýt vào công viên 23/9 để tham gia các buổi thực hành tiếng Anh. Có khi Đạt chủ động làm quen một du khách để nói chuyện, khi thì xin ghép vào một nhóm khác.
Cặp vợ chồng người nước ngoài gặp lại nhóm "học sinh" trong buổi nói chuyện hôm trước và nhiệt tình kiểm tra bài cho các bạn trẻ
"Học ở trung tâm Anh ngữ, bọn em rất ít có cơ hội được thực hành khả năng giao tiếp mà chủ yếu học lý thuyết. Vì vậy được nói chuyện với những người nước ngoài, nhất là người bản địa mà không phải mất tiền thì không còn gì bằng. Sau 4 tháng đến đây học, em thấy khả năng tiếng Anh của mình khá lên nhiều", Đạt chia sẻ.
Đạt cũng như nhiều bạn trẻ trong nước đều có chung hạn chế là chỉ được nghe tiếng Anh trong băng đĩa và trên TV, nên khi nghe trực tiếp người bản xứ nói chuyện dễ gặp lúng túng và phản ứng chậm. "Việc nói chuyện với người nước ngoài thường xuyên sẽ giúp rèn tự tin trong giao tiếp, cũng như kích thích thêm tinh thần ham học của các bạn", thầy Trung, giáo viên một trung tâm Anh ngữ nói.
Cuộc nói chuyên sôi nổi của một nữ sinh và hai vị khách nước ngoài.
Để việc học mang lại kết quả tốt nhất, các bạn trẻ này cho biết, họ thường chủ động đề tài của cuộc nói chuyện trước khi ra công viên. "Vừa để mình khỏi lúng túng, vừa có thời gian chuẩn bị từ vựng để ra đó mình kiểm tra lại từ dùng có đúng chưa hoặc tiếp thu thêm từ mới. Bọn em hay chọn những vấn đề gần gũi để nói chuyện như âm nhạc, sách truyện, du lịch...", một bạn cùng nhóm với Đạt cho hay.
Tuy nhiên không phải lúc nào thiện ý của các bạn trẻ về việc học này cũng được người nước ngoài giúp đỡ.
Việc bắt chuyện với những người ngoại quốc có lúc khiến các bạn gặp phải tình huống dở khóc dở cười. Tường Minh, sinh viên khoa Địa chất Dầu khí ĐH Khoa học tự nhiên cho biết, có lần đến làm quen với một cặp vợ chồng trẻ, nhưng vừa nói được câu xin chào, họ đã tỏ thái độ đề phòng rồi bỏ đi với vẻ mặt lạnh băng, không đáp lại lời nào.
"Có thể họ đã bị ai đó lừa một lần nên sợ hãi khi tiếp xúc với người lạ, hoặc họ bận không có thời gian nói chuyện với mình. Đối với những người tỏ thái độ không mặn mà khi bắt chuyện thì em chủ động đi nơi khác. Việc mình cố nài kéo sẽ làm người ta thêm khó chịu", Minh nói.
Trong khi đó, một nam sinh viên ĐH Công nghiệp thì rùng mình kể lại. Trong một lần thấy người đàn ông mắt xanh tóc vàng ngồi một mình trên ghế đá, cậu lại gần hỏi han để tìm cơ hội giao tiếp. Vừa ngồi xuống nói được vài câu, người đàn ông đã ôm choàng lấy cổ và nắn tay nắn chân khiến cậu toát mồ hôi hột. Từ đó cậu sinh viên thận trong hơn và chỉ gia nhập vào các nhóm đông người.
Thậm chí có bạn còn nhận được lời đề nghị khiếm nhã của những người đàn ông da màu hành nghề trai bao, vốn thường xuyên hoạt động ở địa bàn công viên 23/9.
Theo VnExpress.