Ba sinh viên và vụ án hơn 2000 ngày chưa có hồi kếtChỉ từ một vụ việc cố ý gây thương tích nhưng chứng cứ kết tội không rõ ràng, hồ sơ điều tra gạch xóa nhập nhèm, ba thanh niên Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Trường Đại và Nguyễn Đức Thuận, ngụ tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) đã phải mất gần 2 năm ngồi trong trại tạm giam.

Bốn năm sau khi Tòa sơ thẩm tuyên vô tội, hai chàng sinh viên trong số 3 người đã học xong chương trình học còn dang dở, nhưng những nỗi niềm "giữa đường đứt gánh" vì vụ án "trên trời rơi xuống" vẫn chưa buông tha họ.

2000 ngày lơ lửng giữa oan - tội

Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tây, vào ngày 15.2.2004, khi một nhóm người kéo đến khu vực ao Cầu Nẩy định san lấp ao trái phép, ba thanh niên nói trên để bảo vệ cái ao làng nên đã bơm a xít vào súng nhựa xịt vào mặt một người, gây thương tích cho một người khác trong nhóm người lấp ao. Căn cứ trên kết luận điều tra này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây đã truy tố 3 thanh niên này về cùng tội danh cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây đã tuyên phạt Đạt 8 năm tù giam, Thuận 2,5 năm tù giam, Nhân 2 năm tù giam. Khi đó, 2/3 bị cáo đang là sinh viên của Trường Đại học Bách khoa, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây. Những người bị kết tội kháng cáo bản án này vì cho rằng họ bị oan.

Vụ việc được chuyển đến Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, cơ quan này nhận định lời khai của bị hại tại cơ quan điều tra và tòa mỗi lúc một kiểu, cơ quan điều tra không thu thập được vật chứng, nhiều nhân chứng có lời khai trái ngược nhau. Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã nhận định: "Tình trạng chứng cứ có nhiều mâu thuẫn. Chưa đủ cơ sở để khẳng định Nhân, Thuận có mặt tại khu vực xảy ra xô xát hay không, có dùng vật gì, có dùng a xít không... Trong quá trình điều tra, điều tra viên đã gạch xóa đến hơn 30 bút lục là lời khai của bị cáo, bị hại và nhân chứng trong vụ án. Điều này đã vị phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự. Vì vậy TAND tối cao đã quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai diễn ra vào các ngày 6 - 7.8.2007, các bị cáo vẫn tiếp tục kêu oan và khẳng định không có mặt tại khu vực ao Cầu Nẩy khi hai bên xảy ra xô xát. Các bị cáo còn tố cáo đã bị điều tra viên đánh đập, dùng nhục hình và bị ép cung, bị buộc phải nhận những hành vi mình không làm. Hội đồng xét xử đã tuyên ba thanh niên này không phạm tội, yêu cầu chính quyền địa phương, Trường Đại học Bách khoa, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây khôi phục danh dự và quyền lợi chính đáng cho họ.

14 ngày sau khi được tuyên vô tội, 3 chàng trai được trở về nhà sau gần 2 năm ngồi tù oan.

Vậy nhưng Toà phúc thẩm TAND Tối cao một lần nữa tuyên huỷ bản án trên. Sau gần một năm tiến hành điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây đã ra Kết luận điều tra với nội dung các bị can Đại, Nhân, Thuận phạm tội "cố ý gây thương tích" và bản cáo trạng đó vẫn nằm im từ đấy đến giờ. Nhân nghẹn ngào: "Đến bây giờ ba đứa chúng tôi vẫn chưa chính thức được giải oan vì vụ án vẫn còn trong vòng tố tụng".

"Vết đen" không thể xóa trong hồ sơ xin việc

Thuận và Nhân bị bắt khi đang là sinh viên. Khi đó Thuận đang theo học hệ cao đẳng tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Nhân vừa học hết năm thứ nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Việc học của hai sinh viên này đã bị gián đoạn suốt 2 năm ngồi tù. Được Tòa sơ thẩm tuyên vô tội, Thuận và Nhân đều đã được đi học trở lại nhưng gặp không ít khó khăn. Lẽ ra Nhân chỉ việc học tiếp hai năm cuối là xong, nhưng sau khi học xong hết năm thứ hai, thứ ba thì anh lại phải quay lại học năm thứ... nhất vì nhà trường cho biết những môn học năm thứ nhất Nhân từng học không khớp với các môn mới trong chương trình mới.

Ra trường được mấy tháng, Nhân vẫn đang dạy thêm ở nhà và chờ đợi xin dạy hợp đồng. Cũng chẳng biết rồi Nhân có xin việc được không, khi mà cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc, ai cũng thắc mắc vì sao anh lại bị gián đoạn học đến ba năm, trong khi quy định về bảo lưu kết quả học tập của Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ là 1 năm. "Chỉ cần biết mình đã có 2 năm ngồi tù là người ta ngại, dù chẳng biết mình bị tù oan hay không", Nhân trầm ngâm.

Nguyễn Đức Thuận cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh đã học xong Trường Cao đẳng Bách Khoa, nhưng với bộ hồ sơ xin việc có "vết đen", chẳng cơ quan đơn vị nào nhận anh vào làm việc ổn định. Chờ cơ quan chức năng ra phán quyết cuối cùng, Thuận quyết định theo tiếp một khóa học liên thông của một trường Đại học.

Và những hệ lụy khác

Hơn 6 năm kể từ ngày vướng vào vòng tố tụng nhưng vụ án vẫn chưa có hồi kết, ba chàng trai ngày càng héo hon vì lo nghĩ. Thuận mắc bệnh lao trong thời gian ngồi tù, sau khi ra khỏi nhà giam, anh lại phải nhập viện Bệnh viện lao Trung ương điều trị suốt 8 tháng. Các bác sĩ kết luận anh bị tổn thương phổi nên việc hô hấp không được bình thường, bây giờ mỗi khi trở trời đều lên cơn đau tức. Mẹ Thuận thở dài "Gia đình đành chờ cho Thuận học hành xong xuôi, sức khỏe khá hơn và cũng phải chờ gom góp đủ tiền mới đi điều trị tiếp".

Riêng gia đình hai anh em ruột Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Trường Đại lại càng khó khăn hơn khi bố các anh là thương binh, bị ảnh hưởng thần kinh đã mất năm 2003; mẹ thì trước đây bị tai nạn, nay thêm sự việc này càng thêm ốm yếu. Từ ngày ra tù, Đại và Nhân thêm căn bệnh suy nhược thần kinh, có hôm đang ngồi bỗng ngất lịm đi, lúc tỉnh dậy thì người đau ê ẩm.

Chia sẻ về những suy nghĩ của mình sau từng ấy ngày mỏi mòn chờ đợi, Nhân ngậm ngùi "Sau khi đọc xong bài báo về ba thanh niên cũng ở Hà Tây bị kết án oan tội hiếp dâm ngồi tù suốt mười năm, tôi cũng cảm thấy những nỗi đau oan án không chỉ có riêng mình gánh chịu. Thế nhưng tôi vẫn cho rằng Pháp luật, cơ quan Nhà nước luôn công minh, chỉ có một vài người thi hành pháp luật sai mà thôi".

Huyền Trang (theo ĐSPL)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC