Bước qua tuổi 100 nhưng cụ vẫn còn tỉnh táo, bắt mạch và khám bệnh cho người dân nghèo. Cụ là nữ lương y Nguyễn Thị Hai (103 tuổi) mà người dân TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vẫn tôn trọng và vinh danh là "Bà Thầy" - người một đời trọn tình với hai chữ "lương y".
6 đời giữ y đức
Sinh năm 1907 tại xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh trong một gia đình nhiều đời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh gia truyền, năm 22 tuổi, cụ Hai được ông nội truyền nghề lại với chuyên khoa bắt bệnh và chữa trị các bệnh nan y của phụ nữ, nam giới, các bệnh về hiếm muộn con cái. Đến nay, đã hơn 80 năm hành nghề cụ Hai đã chữa trị và mang lại nụ cười niềm hạnh phúc cho hàng trăm lượt người.
Chúng tôi tìm đến nhà thuốc Bà Thầy (102 Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh) vào buổi chiều, mặc dù trời đã gần tối nhưng cụ Hai vẫn bận rộn với công việc bắt mạch và chẩn đoán bệnh của mình. Trong nhà cụ Hai cùng cháu nội là chị Lê Thị Hiên (53 tuổi) đang chậm rãi khám bệnh và kê đơn bốc thuốc cho người bệnh. Tiếng hỏi chuyện, hỏi bệnh của cụ vẫn át được những câu nói của những người bệnh. Ngoài hiên, một nhóm hơn 10 người đang ngồi chờ đến lượt được cụ bắt mạch, trong số đó có nhiều người đến để cảm tạ cụ Hai.
Chị Võ Thị Hoa (45 tuổi) quê Hương Khê, Hà Tĩnh bị chứng bệnh gai cột sống, đau lưng đã gần 3 năm nay, việc đi lại và làm việc đều khó lòng nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không thể đến bệnh viện. Nghe người quen giới thiệu chị tìm đến cụ Hai để bắt mạch, bốc thuốc, kết hợp với bấm huyệt, châm cứu. Đến nay, sau gần 2 tháng chữa trị chị Hoa đã đỡ hẳn. Không biết lấy gì tạ ơn, chị Hoa mang một con gà tơ để biếu cụ bồi dưỡng. Chị ái ngại: "Không biết lấy gì tạ ơn cụ, nhờ cụ mà tui đã đỡ hẳn đi lại và làm việc gần như đã bình thường. Cây nhà lá vườn mang đến biếu cụ không biết cụ có nhận cho không nữa!".
Ơn nghĩa là vậy nhưng mỗi lần người bệnh đến trả ơn thì cụ Hai đều từ chối. Nhiều người giàu có ở tận Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM... mang quà đắt tiền đến để trả ơn nhưng cụ Hai đều quyết không nhận. "Tui làm theo lương y của người thầy thuốc. Ông bà, tổ tiên đã tin tưởng và truyền nghề lại cho tui thì tui phải làm tròn đạo lí người thầy thuốc. Lúc nào còn sức là tui còn giúp đỡ bà con thôi!" -cụ Hai tâm sự.
Đức lương y có trong cụ Hai - bà Thầy từ khi còn tấm bé. Đến giờ cụ không còn nhớ gia đình mình đã qua 6 đời làm nghề lương y bốc thuốc nữa. Cụ chỉ nhớ hồi còn nhỏ thường theo ông nội lên núi hái thuốc rồi từ đó biết được tên, tác dụng của các loại thảo dược. Cụ Hai được ông nội truyền nghề và dẫn đi khắp dải đất miền Trung để chữa bệnh cho người nghèo. Tận mắt thấy được những cơ hàn của người nông dân nghèo cụ đã dần tôi luyện đức y của mình và làm tiếp bước nghề của tổ tiên.
Hồi còn trẻ cụ đã từng được qua Trung Quốc, Campuchia để học thêm về cách bắt mạch chẩn đoán bệnh, cách bào chế các loại thảo dược thành những loại thuốc quý. Từ những kinh nghiệm học được cụ Hai tiếp nhận cùng với những bí quyết gia truyền nhiều đời cụ đã dần hoàn thiện khả năng của mình để chữa trị cho những người bệnh.
Lật dở những trang nhật kí chữa bệnh của cụ Hai chi chít những dòng chữ cảm tạ của người bệnh. Người bệnh đến tạ ơn cụ, cụ không nhận quà biếu. Cụ chỉ nhận tấm lòng và bảo người bệnh đề vài dòng lưu bút vào cuốn sổ cũ kĩ của mình. Với cụ Hai đó là cả một gia tài của một người lương y. "Bệnh nhân chủ yếu là dân cày cả. Quà cáp nhận là có tội. Chỉ cần đề tui vài dòng, sau này con cháu đọc vào để hiểu hết được cái quý của người thầy thuốc là tui mãn nguyện lắm rồi!", cụ tâm sự.
Một chút tình riêng
Lương y Nguyễn Thị Hai đang bắt mạch cho bệnh nhân. |
Người bệnh tìm đến cụ Hai thường là người nghèo. Mỗi thang thuốc chỉ có giá 2-3 ngàn đồng gọi là công bắt mạch. Nhiều trường hợp quá khó khăn cụ nhận điều trị miễn phí. Bởi thế nhiều người dân những vùng quê nghèo mỗi lần nhắc đến bà Thầy đều nhớ đến ơn cụ Hai mang lại cho người dân nơi đây.
Hơn 80 năm nghề đối với cụ Hai có lẽ còn chưa đủ bởi cụ luôn tâm niệm: "Nghề thầy thuốc không có tuổi. Còn sức để "Vòng văn thiết vấn" là hãy còn hành lương đức với đời". Bởi thế ở cái tuổi "Bách niên giai lão" hàng ngày cụ vẫn gượng dậy để bắt mạch và khám bệnh cho 7- 10 lượt người. Và đến giờ cụ Hai vẫn còn nhớ rất rành mạch tên các loại thảo dược cũng như công dụng, cách điều chế của chúng.
Sức yếu nhưng trông phong thái của cụ vẫn niềm nở và gần gũi với người bệnh. Mỗi lần bắt bệnh cụ đều hỏi han hoàn cảnh gia đình của từng bệnh nhân. Những trường hợp nào sau khi bắt bệnh, khả năng mình có thể chữa được cụ mới nhận còn không cụ khuyên bệnh nhân nên đến bệnh viện để được khám và điều trị tốt hơn.
Bước qua tuổi 100, cụ đã sống trọn một thế kỷ của đời người hiểu hết được giá trị cao đẹp của lương y. Ngày cụ truyền lại nghề cho hai đứa cháu là Lê Thị Hiên và Nguyễn Thị Thuận với mong muốn trước hết có người nối dõi nghề tổ tiên và bước tiếp con đường mà gần thế kỉ qua cụ theo đuổi. Tiếc rằng đến nay có chị Hiền còn tiếp bước cụ, còn chị Thuận vì cuộc sống gia đình đã không còn theo nghề tổ tiên nữa. Nhắc đến chuyện này trong con mắt cụ bà tuổi 100 này mắt luôn ngấn lệ: "Tui gần đất xa trời rồi, sống chẳng được bao lâu nữa. Con cháu bỏ nghề thuốc cũng do hoàn cảnh kinh tế cả thôi. Nghề thuốc nuôi cái đức lương y chứ có nuôi nổi miếng cơm manh ao đâu nên tui cũng không trách móc gì chúng cả. Có trách thì trách chúng không nghĩ đến bà con nghèo khó thôi"- cụ Hai tâm sự.
Trời tối dần, trong căn nhà cũ kĩ cụ Hai đã mệt, cụ đang gắng sức bắt bệnh và bốc thuốc cho người bệnh cuối cùng. Xong cụ vào buồng trong nghỉ. Húp miếng cháo, tôi thấy cụ khó nuốt, có lẽ một phần vì sức cụ đã yếu, một phần vì cụ còn trăn trở, nặng nghĩ tới ngày mai...
Theo GiadinhNet.