Việt Nam được coi là một điểm đầu tư mới ngoài Trung Quốc đối với một loạt nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Đức nói riêng.

1 Bao Duc Danh Gia Cao Tiem Nang Va Co Hoi Dau Tu Vao Viet Nam

Foto: Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện tử. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, báo Focus của Đức ngày 21/7 đăng tải bài viết về sự phát triển của châu Á, trong đó đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Bài báo dẫn lời ông Horst Geicke, nhà đầu tư và là Chủ tịch Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Việt Nam được coi là một điểm đầu tư mới ngoài Trung Quốc đối với một loạt nhà đầu tư nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Đức nói riêng.

Hầu hết các doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng song song với đó, họ sẽ lựa chọn đầu tư nhà máy thứ hai ở châu Á đặt tại Việt Nam.

Theo bài báo, trước đây Việt Nam chủ yếu tập trung vào phát triển du lịch và xuất khẩu một số sản phẩm chủ đạo như nông sản, quần áo, giày dép.

Nhưng đến nay, Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện tử và các lĩnh vực khác.

Ví dụ điển hình nhất là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc. Hiện tại, một nửa số điện thoại di động xuất sưởng của Samsung được sản xuất tại Việt Nam.

Tại châu Á, ngoài Singapore, chỉ có Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA).

Trong số các doanh nghiệp Đức đang hướng tới Việt Nam có các nhà cung cấp phụ tùng ôtô Brose và ZF, nhà sản xuất thiết bị Kärcher, nhà cung cấp vật liệu xây dựng Knauff và công ty hàng tiêu dùng Henkel.

Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp Đức đang sản xuất kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Năm 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức giải ngân đạt 22,4 tỷ USD - cao kỷ lục.

Con số này đã góp phần quan trọng đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức ấn tượng hơn 8% trong năm 2022 và trung bình 5,9% trong 13 năm qua.

Bài báo cũng nhắc lại chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tháng 11 năm ngoái và cho rằng các nhà lãnh đạo Đức đánh giá cao quan hệ với Việt Nam, đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.

Trước đó, Tạp chí Kinh tế và Xã hội (PT-Magazin) của Đức cũng đăng bài viết chi tiết với tiêu đề “Đầu tư vào Việt Nam,” trong đó cho rằng trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp quy mô vừa vẫn coi Việt Nam là một “lựa chọn thú vị.”

Theo bài viết, Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển với chính sách tiếp cận thị trường tự do, vì vậy đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Sự gia tăng liên tục của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm gần đây và việc xây dựng các cơ sở sản xuất liên quan có thể chứng minh điều đó.

Đơn cử như với khoản đầu tư lớn của nhà sản xuất đồ chơi Lego nổi tiếng thế giới, Đan Mạch là quốc gia hàng đầu châu Âu rót vốn vào Việt Nam trong năm 2022.

Số lượng lớn các nhà đầu tư quy mô vừa từ khu vực nói tiếng Đức DACH (gồm Đức, Áo và Thụy Sĩ), vốn đã có các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, cũng là minh chứng cho thấy Việt Nam có các điều kiện khung đáng tin cậy với các nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn những địa điểm nổi tiếng và đã được thử nghiệm ở Việt Nam, như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận ở phía Nam, hay Bắc Ninh và Hải Phòng ở miền Bắc và Đà Nẵng ở miền Trung. Hiện các điểm đến chưa phát triển nhiều, như Quy Nhơn, cũng đang được quan tâm.

Bài viết cho rằng hai yếu tố "trong nước" và "toàn cầu" là lý do Việt Nam trở thành trung tâm của nhiều chuỗi cung ứng.

Trong nước, Việt Nam có thể vẫn có thế mạnh đầy thuyết phục với chi phí tương đối thấp, mặc dù chi phí cho bất động sản thương mại và tiền lương cũng đang tăng lên.

Hơn nữa, Việt Nam tương đối ổn định về mặt chính trị, cho phép các doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh một cách đáng tin cậy.

Các điều kiện khung đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài phần lớn được tự do hóa. Việt Nam còn được hưởng lợi từ EVFTA cũng như từ các hiệp định của ASEAN.

EVFTA có ý nghĩa lớn khi nói tới biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và ngày càng thích hợp trong lĩnh vực hài hòa hóa các tiêu chuẩn.

Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đặc biệt hấp dẫn khi hàng hóa được xuất vào EU hay hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam có thể tìm thấy khách hàng ở các nước Đông Nam Á khác.

Dù vậy, Việt Nam vẫn cần cải thiện cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi cũng như tăng cường khung pháp lý cũng như loại bỏ một số rào cản và thách thức đối với giới đầu tư.

Theo bài viết, Việt Nam có thể là lựa chọn đầu tư hấp dẫn đối với nhiều công ty Đức do các điều kiện trong nước và toàn cầu.

Để bắt đầu một dự án FDI tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài phải tập trung chủ yếu vào các khía cạnh pháp lý và chuẩn bị sẵn các tài liệu cần có để có được các giấy phép và chứng chỉ cần thiết.

Ngoài ra, còn có nhiều lựa chọn để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh từ góc độ luật thuế Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do và các quy định hải quan./.

Mạnh Hùng-Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC