Sáng nay, bão cấp 12 đổi hướng xuống phía Nam, đổ vào khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) làm hàng trăm tàu thuyền bị chìm. Mưa to, gió lớn giật tung hàng nghìn ngôi nhà ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, nhiều người đã chết trong mưa bão.

Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết, tâm bão đổ vào khu kinh tế Dung Quất với sức gió giật trên cấp 12. "Thật may là sức gió giảm dần khi vào đất liền nhưng thiệt hại cũng không nhỏ", ông Nhi nói. Đến trưa, bão vẫn còn hoành hành trên vùng gần biển, chưa đi sâu vào đất liền.

Báo cáo ban đầu của Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, trong vòng 2 giờ qua, tỉnh có 20 chiếc tàu bị chìm, trôi dạt. Gió và sóng vẫn dữ dội khiến việc tìm kiếm cứu hộ chưa thể tiến hành được. Huyện đảo Lý Sơn, nơi bão tấn công đầu tiên, sóng nhấn chìm 11 tàu thuyền đánh cá đang neo đậu ở cầu An Vĩnh. 3 tàu khác với 4 ngư dân canh giữ bị biển biệt lập.

Bão hoành hành gây thiệt hại lớn _0
Mưa bão tại nội đô thành phố Huế. Ảnh: Minh Tâm.

Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), chỉ trong buổi sáng đã có hơn 90% nhà tốc mái. "Chúng tôi không nghĩ cơn bão khủng khiếp như vậy đi kèm với những đợt sóng cực lớn ngoài sức tưởng tượng. Quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân huyện đảo", đại diện đảo Lý Sơn đang ở hiện trường tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão, cho biết.

Sáng nay đường đi của bão đã chệch hướng, theo dự báo ngày hôm qua là Tây Tây Bắc, nhưng sáng nay đã dịch qua hướng Tây Tây Nam. Do không lường trước được sự đổi hướng này nên hầu như công tác phòng chống bị động. Trong buổi sáng các đội phòng chống lụt bão huyện đảo phải ngay lập tức di dời nhà dân nằm trong đường đi mới của bão về các khu vực an toàn hơn.

Ngay đầu giờ sáng, gió đã mạnh dần lên cấp 9 rồi cấp 10, giật cấp 14-15. Ngoài đường, tôn bay loạn xạ như những cánh diều. Hầu hết đường dây điện thoại bị hỏng, trụ phát sóng của Viettel cũng bị đổ và gãy làm đôi, chỉ còn mạng Mobile hoạt động tương đối ổn ở trên đảo.

Cơn mưa xối xả kèm gió thổi mịt mù, ngoài khơi, sóng biển đang dâng rất cao. Do đã có sự chuẩn bị từ trước nên người dân trên đảo đã vào nơi tránh bão an toàn. Chỉ có một em bé bị thương nhẹ vào chiều hôm qua do gió lớn, sập nhà và đè lên chân em.

Nhiều tỉnh miền Trung khác cũng bắt đầu hứng chịu gió bão. Nhiều nhà tốc mái, đổ sập, hệ thống thông tin tê liệt, mất điện...

Tại thành phố Quảng Ngãi, mưa lớn đã làm tắc nghẽn nhiều trục đường. Có nơi nước ngập sâu đến gần 1 mét. Nhiều ngôi nhà bị gió giật tốc mái, tôn bay xuống đường gây nguy hiểm đến tính mạng của người đi đường. Mưa to kèm theo gió giật tung nhiều cửa kính của nhà dân và một số cơ quan công sở.

Bão hoành hành gây thiệt hại lớn _1
Mưa bão tại Đà Nẵng. Ảnh Trà Bang.

Tại Quảng Nam, Trưởng ban phòng chống lụt bão Nguyễn Ngọc Quang cho biết, sáng nay mưa đang rất to khiến nước dâng cao. Các con sông của tỉnh đều lên đến mức báo động 3. Từ sáng sớm nay, tỉnh đã mất điện, phương tiện liên lạc chủ yếu hiện tại là điện thoại di động.

Sát với vùng tâm bão, Thừa Thiên Huế từ sáng sớm gió đã gầm rít liên hồi, mưa xối xả. Hàng loạt cây xà cừ, phượng trong nội đô bị bật gốc, nằm ngổn ngang. Các biển quảng cáo hôm qua chưa kịp tháo dỡ nay rách tả tơi. Hầu khắp tuyến đường trong khu vực nội đô Huế bị ngập. Hai bên bờ sông Ngự Hà nhiều nhà dân bị tốc mái.

Từ hôm qua, học sinh toàn tỉnh đã nghỉ học. Hôm nay, công sở cũng đóng cửa, chỉ một bộ phận công chức đến cơ quan để trực chống bão. Hiện một số cây xăng và siêu thị như Thuận Thành, Big C vẫn mở cửa. Người dân nườm nượp đến đây để mua lương thực, thực phẩm tích trữ.

"Đáng sợ nhất sau bão là lũ. Hiện mực nước sông Hương dâng rất cao, nếu có mưa lớn thì khả năng sẽ có lũ lớn. Vì thế, gia đình tôi cũng như hầu khắp dân Huế cứ nghe thấy bão là phải tích trữ ngay lương thực cho vài tuần đề phòng mưa lũ", anh Tâm, một cư dân thành phố Huế giải thích.

Đến trưa, hoàn lưu bão đã bắt đầu tấn công lên cao nguyên, gây mưa lớn và gãy đổ cây ở Đà Lạt. Một cô giáo chết và nhiều người bị thương do thông ngã hàng loạt.

Một cây thông to cao trên 30 mét ngã nằm vắt ngang sân vườn biệt thự số 15 chắn hết chiều ngang đường Trần Hưng Đạo, đập thẳng vào chiếc xe máy của cô giáo Phùng Thị Thanh và 2 chiếc xe điện của hai nữ sinh làm tất cả tơi tả mỗi nơi mỗi mảnh. Cô giáo chết tại chỗ, còn hai nữ sinh may mắn thoát nạn. Một cây tùng có đường kính 2 mét cũng ngã đè trúng một đôi vợ chồng đang đi trên đường.

Đại diện Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hàng loạt nhà, công trình tại Đà Lạt bị cây đè, các bảng hiệu quảng cáo tơi tả xiêu vẹo. Theo ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBNN tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đã có công vân hỏa tốc đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương đốn hạ những cây xanh nội thị có nguy cơ ngã đổ trong bão, không cân phải thông qua các thủ tục. Các trường học trên địa bàn phải cho học sinh nghỉ học đến khi bão qua.

Bão hoành hành gây thiệt hại lớn _2
Dự báo đường đi của bão. Ảnh: NCHMF

Sáng nay, bão số 9 đã mạnh lên thành cấp 13 và không chếch lên phía bắc như dự báo hôm qua mà dịch chuyển xuống phía nam. Tâm bão chỉ còn cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 50 km và trưa nay đi vào Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định đang có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13. Biển động dữ dội.

Gió bão đã làm tốc mái 90 ngôi nhà, kéo đổ 150 ha cây lâm nghiệp, 600 ha cây cao su bị gãy đổ tỉnh Quảng Trị. Tại tỉnh Quảng Ngãi, 13 nhà bị sập, tốc mái, thiệt hại 150 ha hoa màu, 3 tàu và 1 cano bị chìm. Một em gái 10 tuổi ở huyện Sơn Trà, tỉnh Quảng Ngãi đã bị nước cuốn mất tích khi qua sông Rin.

Sáng nay giữa tiếng sóng gào thét, đại diện UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho VnExpress.net biết, sau khi khoảng lặng khủng khiếp của tâm bão qua đi, hòn đảo như chìm trong những đợt gió mạnh dần, giật tới cấp 14-15.

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC