Cậu tân sinh viên ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM Viết Thành, tần ngần rút ra rút vào tờ hai tờ 200.000 đồng tới bốn lần, rồi dứt khoát đặt cái chăn đang cầm trên tay xuống kệ hàng, quay đi trong sự cằn nhằn của người bán.
Thành tâm sự, từ hôm lên TP HCM nhập học, cậu mới đi mua chiếu, chăn và vài vật dụng cá nhân mà hết gần 500.000 đồng.
Vừa nhập học đã rỗng... túi
“Mới đầu tụi em định mua hai cái chăn, nhưng nghĩ lại, hai thằng dùng chung một cái cũng được. Thời tiết ở đây đâu có lạnh, chỉ sợ muỗi thôi. Số tiền mua chăn này, nhà em ăn cả tháng”, Thành giãi bày về việc định mua chăn rồi lại thôi.
Thành hiện ở trọ cùng ba tân sinh viên quê Đồng Nai trong một căn nhà nhỏ trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Thành tâm sự đã lên TP HCM hơn một tuần, nhưng em và các bạn ở cùng vẫn chưa dám mua quạt điện. “Nếu nóng quá thì lấy vở quạt, chứ mua rồi là nhịn đói chắc luôn. Có lẽ, 1 - 2 tháng nữa tụi em mới mua được quạt máy (quạt điện)", cậu chia sẻ.
Giống như Thành, nhiều tân sinh viên cũng bị “choáng ngợp” khi lần đầu thực sự sống xa nhà và phải tính toán chi tiêu, vì "ở nhà với mẹ quen rồi, giờ lóng ngóng không biết làm gì".
Minh Đăng, tân sinh viên ĐH Giao thông vận tải TP HCM kể, sau khi làm thủ tục nhập học, chỉ còn 400.000 đồng cho tất cả sinh hoạt trong tháng 9. Đăng và người bạn chung tiền mua một bếp ga mini, hai cái cái nồi, hai bát, và không quên thủ sẵn một thùng mì gói. Đăng 'bật mí" những kiến thức chi tiêu này là do hai chị sinh viên kế bên hướng dẫn.
Còn Văn Hải, bạn cùng phòng với Đăng, than thở: “Tụi em không dám đi chợ, vì nghe nói hỏi giá mà không mua là bị người ta chửi nên toàn nhờ hai chị sinh viên khóa trên dẫn đi. Mua 2.000 đồng rau muống mà không đủ ăn hai bữa, mắc (đắt) thiệt”.
Nhiều sinh viên sau khi ổn định chỗ ở, làm thủ tục nhập học xong, gọi điện về nhà xin viện trợ hoặc nhắn "nếu có người nhà vào thành phố thì gửi cho con ít lạc, ít cá khô...”.
Stress vì Sài Gòn cái gì cũng... nhỏ
Không chỉ lúng túng vì chuyện phải bước vào cuộc sống tự lập, sự thay đổi về môi trường sống cũng khiến nhiều tân sinh viên từ các tỉnh lẻ về học tại TP HCM cảm thấy ngơ ngác, lạ lẫm. Tiến Dũng, một tân sinh viên quê Quảng Nam tâm sự cậu đang bị stress nặng, vì cái gì ở thành phố này cũng... nhỏ.
“Nhà trọ nhỏ xíu, em với hai người bạn phải nằm sát nhau mới đủ chỗ ngủ, cảm giác như lèn cá hộp ấy. Dù bọn em chỉ có ba đứa, nhưng lúc nào em cũng có cảm giác đông đúc, chật chội vì đi ra đi vào ở đâu cũng đụng người hết", Dũng kể.
Cậu còn tâm sự, nhiều đêm đói bụng, nhưng sợ các bạn ở "hộp trọ' bên cạnh thức giấc Dũng chỉ dám ăn mì gói sống, rồi uống nhiều nước cho no bụng. “Ở nhà thoải mái quen rồi, giờ lên đây gò bó khó chịu lắm. Ở TP HCM cái gì cũng… nhỏ hết", cậu tân sinh viên này than thở.
Khác Dũng, Thu An, tân sinh viên Cao đẳng Bách Việt thổ lộ lại stress vì bị ám ảnh bởi suy nghĩ "chắc ai cũng biết mình ở nơi khác đến, lần đầu tiên vào TP HCM, nên dễ bị bắt nạt". An kể, ra đường lúc nào cũng có cảm giác người ta nhìn mình chằm chằm, làm cô bước đi cũng không được tự nhiên nữa.
Cô tân sinh viên này còn mặc cảm "sao em nói mà nhiều người không hiểu gì hết trơn, chắc tại giọng nói quê em khó nghe quá". Do suy nghĩ như thế, nên An mặc cảm và tự nhiên ngại... nói. "Muốn mua gì, em chỉ vô món đó, người ta hiểu ngay, chứ nhiều lúc nói, người ta lại không hiểu”, An kể.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Minh Tâm, Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, TP HCM, việc thay đổi môi trường sống dễ khiến nhiều người bị sốc văn hóa, nhất là với các tân sinh viên từ nông thôn lên thành phố học tập. Thời gian đầu hầu hết các em đều phải tự tìm cách để hòa nhập với những khác biệt này.
Do đó, các em phải tự tìm, tự học hỏi để trau dồi cho bản thân những kỹ năng sống cần thiết, từ những chuyện tưởng đơn giản như quản lý "ngân quỹ" thế nào, sống chung với người lạ ra sao... Môi trường tập thể cũng không giống ở gia đình, nên các em phải quen dần với sự khác biệt giữa các cá nhân, thậm chí là sự khác biệt liên quan đến vùng miền.
Riêng đối với việc chi tiêu, bà Tâm khuyên, tân sinh viên nên tự lập cho mình kế hoạch xài chi tiết ngay từ đầu tháng. Ví dụ, khi nhận tiền từ bố mẹ hằng tháng, nên ưu tiên các khoản chi cố định như tiền ăn, tiền nhà, tiền học. Những khoản chi còn lại, cũng nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. "Nếu có kỷ luật với bản thân, sau một thời gian các em sẽ dần thích nghi với cuộc sống mới", bà Tâm nói.
Tại TP HCM, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên nhiều trường cũng tổ chức các lễ đón tân sinh viên, trong đó, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi và cả tư vấn, để giúp các em hòa nhập với môi trường mới.
Theo Đất Việt.