Bi kịch "game thủ"Từ một học sinh giỏi nhiều năm liền, V.H.T.N (14 tuổi, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã trở thành cô bé kỳ quái chỉ vì nghiện game online.

Mái tóc cắt lởm chởm, phong cách ăn mặc dị hợm cùng các loại trang sức quái đản hoàn toàn đối lập với gương mặt thông minh, xinh xắn. Đó là chân dung của V.H.T.N (14 tuổi, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Em từng là nữ “game thủ” duy nhất trong một khóa cai nghiện game online tại TPHCM.

“Chị N. bị khùng hay sao ấy”

Chúng tôi tiếp cận được N. trong lúc em “rảnh tay” vào chiều 2-8. Mặc cho nhà có khách, cô bé lạnh lùng nhìn chằm chằm chúng tôi một lát rồi bỏ ra sân chơi, không chào lấy một câu. N. mặc quần jeans lửng và áo ba lỗ giống hệt con trai, tay và cổ đeo những sợi xích to kỳ quái. Bà Đoàn Thị Huệ (mẹ của N.), nhìn con ngao ngán nói: “Có hôm nó về nhà với đầu tóc nửa xanh, nửa vàng, cắt cạo lởm chởm như những nhân vật trong game. Chỉ một tuần mà nó thay đổi đến 4 màu tóc”. Bà Huệ cho biết từ khi N. nghiện game, bà thường xuyên mất ngủ và bị ám ảnh vì những gì con gái thể hiện. Tất cả khuyên tai, dây thắt lưng, giày dép, xe đạp... đều được N. trang trí thêm những chiếc đầu lâu trắng toát. Có lần, bà Huệ xây xẩm mặt mày khi phát hiện N. thay chiếc thánh giá đeo ở dây chuyền thành một chiếc... đầu lâu để đi nhà thờ (gia đình bà Huệ có đạo Công giáo).

Đang học lớp 7, N. bỏ ngang, gia đình khuyên răn thế nào em cũng gạt phăng để tụ tập băng nhóm say sưa với các trò chơi trực tuyến. Chưa thỏa mãn với thế giới ảo, N. còn thường xuyên tham gia đua xe và đánh nhau ngoài đường. Là chị cả trong nhà nhưng N. không hề đụng tay vào việc gì. Mẹ sai quét nhà, rửa chén bát thì em quắc mắt đáp: “Không”! Khi bị mẹ đánh, N. lạnh lùng tuyên bố mẹ là kẻ thù và sẽ chịu báo hận khi có dịp! Nguy hiểm hơn, em V.H.Nh (em của N.) thường xuyên phải chịu những trận đòn theo kiểu “xã hội đen” của chị. Nh. tâm sự: “Chị N. bị khùng hay sao ấy, hở ra là đấm đá em túi bụi”.

Tiếc một học sinh xuất sắc

Trước khi trở thành “game thủ”, N. học rất giỏi với chuỗi thành tích đáng nể trong suốt bậc tiểu học và năm đầu tiên của cấp 2. Bà Huệ ôm từ trong tủ ra một chồng nặng trĩu các giấy khen và bài thi của N. cho chúng tôi xem. Xấp giấy khen của em từ lớp 1 đến lớp 6 đều ghi thành tích “Học sinh xuất sắc”. Ngoài ra, N. cũng nhiều lần nhận được khen thưởng về thành tích trong hoạt động Đoàn, Đội ở trường. Xem qua hàng loạt bài kiểm tra của N., chúng tôi thấy em luôn đạt điểm 9, 10 ở nhiều môn như Anh văn, toán, lý, tập làm văn...

Lần giở những giấy khen của con gái, bà Huệ nức nở: “Vì cháu lên thị trấn học và theo bạn bè xấu nên mới ra nông nỗi này. Càng nhìn lại quá trình lớn khôn và học tập của con, tôi càng đau lòng”. Sự thay đổi trong nhận thức, tính cách của N. cũng thể hiện qua những gì em vẽ ra. Ban đầu, em vẽ rất đẹp các bức tranh về chủ đề gia đình, bộ đội, phong cảnh nhưng khi nghiện game, cô bé lại vẽ những hình thù dễ sợ, gớm ghiếc như đầu lâu, mặt quỷ...

“Trong game toàn là cảnh chém giết, bạn game trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ rất thô tục thì làm sao nó không đổ đốn” - bà Huệ rầu rĩ nói.

Năm ngoái, khi biết có lớp cai nghiện game ở TPHCM, vợ chồng bà Huệ lập tức đưa N. lên đăng ký nhưng do quá trễ nên N. chỉ tham gia được 10 ngày.

Sau khóa cai này, N. có thay đổi phần nào nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì “ngựa quen đường cũ”. Tiễn chúng tôi ra về, cụ Mai Thị Nhung (81 tuổi, bà nội của N.) khẩn khoản: “Con xem trên TP có nơi nào chữa trị được bệnh nghiện game thì chỉ giúp bà, chứ cháu chắt thế này thì làm sao sống nổi”.

Theo Người lao động.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC