"Trộm vợ" là một tập tục văn hoá lâu đời của dân tộc Thái và Mông. Nhưng gần đây, truyền thống văn hóa ấy đã bị các thanh niên một số bản, làng ở miền Tây tỉnh Nghệ An biến tướng thành nạn... cướp vợ.
Nhiều nữ sinh đang ở độ tuổi 13 - 15 đã phải bỏ dở sự học để trở thành những người vợ bất đắc dĩ. Đã có những tiếng kêu cứu, nhiều cô gái đã lựa chọn cái chết để chống đối tập tục này.
Từ tập tục văn hoá đẹp
Để tổ chức một cuộc “trộm vợ”, đòi hỏi đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Trước hết, là trai gái phải đến tuổi lấy vợ gả chồng theo pháp luật quy định. Việc trộm vợ phải được sự đồng thuận của cô gái (người bị trộm) và gia đình họ hàng nhà trai (bố mẹ chàng rể). Sau khi “bắt trộm” được cô con gái, chàng rể phải để lại trên bàn thờ nhà gái một chai rượu, trầu cau và một ít tiền mặt để họ nhận biết việc con gái họ bị “bắt trộm” về làm dâu. Nhà trai cũng phải chứng minh được, trong buồng ngủ của cô gái có cất giữ những kỷ vật tình yêu do chàng trai trao tặng trước đó (bạc trắng, khăn).
Dân tộc Thái và Mông ở miền Tây tỉnh Nghệ An nổi tiếng với những nét văn hóa truyền thống. Trong đó có những thủ tục về cưới hỏi được xem là độc đáo nhưng cũng hết sức khắt khe. Trai gái đến tuổi thì được phép qua lại, tìm hiểu nhau. Nhưng khi người con trai muốn cầu hôn, họ phải chuẩn bị rất nhiều lễ vật để mang sang nhà gái (rượu, nếp, trâu, bò, lợn, gà...). Để đi đến lễ cưới, ngoài lễ vật, người con trai còn phải chịu một số thử thách do nhà gái đưa ra. Trong đó là việc ở rể suốt 3 tháng để nhà gái chấm điểm, đánh giá chàng rể. Trong thời gian này, đại diện gia đình người con trai phải thường xuyên mang quà cáp qua thăm hỏi nhà gái. Vì vậy, những người thanh niên con nhà nghèo thì việc lấy vợ là vô cùng khó khăn.
Về sau, để tạo điều kiện cho những thanh niên nghèo có điều kiện lấy vợ và giảm bớt những thủ tục khắt khe của nhà gái, người Thái và Mông đã sinh ra tập tục “trộm vợ”. Tuy nhiên, việc “trộm vợ” phải thực hiện đúng theo những tập tục bắt buộc của người dân tộc bản địa cũng như quy định của pháp luật. Theo tập tục mới này, sau khi hai người yêu nhau rồi nhưng không có đủ điều kiện đáp ứng những yêu cầu của nhà gái, người con trai sẽ thống nhất với người con gái tổ chức một cuộc bỏ trốn về nhà chồng thông qua một vụ trộm. Tập tục này, lâu nay được cộng đồng người Thái và người Mông thừa nhận như một nét đẹp văn hóa mới, nhằm giảm bớt những phiền hà về cưới hỏi do cha ông để lại. Theo già làng Vừ Nhía Lầu ở bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thì hầu hết những người đồng lứa người Mông với Già đều đi "trộm vợ". Vợ của Vừ Nhía Lầu hay vợ của Hờ Nòng Chư (bạn ông) cũng nhờ trộm mà có. Bà Kim Thị Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp cho biết, khoảng 50% cặp vợ chồng của người Thái hiện nay đều thông qua phong tục “trộm vợ”. Nếu tổ chức một cuộc cưới hỏi chính thống là vô cùng rườm rà và tốn thời gian. Vì thế, tập tục “trộm vợ” rất được khuyến khích.
Bi kịch khi "trộm vợ" thành "cướp vợ"
Trong một vài năm lại đây, dựa vào tập tục “trộm vợ”, nhiều thanh niên Thái và Mông đã liều lĩnh biến tướng nó thành nạn cướp vợ trắng trợn. Họ không cần tìm hiểu, thậm chí không hề quen biết nhau nhưng vẫn bắt về làm vợ. Bất kỳ cô con gái xinh đẹp nào cũng có thể trở thành nạn nhân của chúng. Tại nhiều trường PTTH Dân tộc Nội trú ở Nghệ An, nữ sinh đã rơi vào tình cảnh trớ trêu, tiến thoái lưỡng nan vì tình trạng này. Họ đã bị cướp về làm vợ khi đang đi học và còn ở độ tuổi vị thành niên.
Ông Lầu Nênh Chư, nguyên cán bộ xã Mường Lống (Kỳ Sơn) kể lại: Giữa năm 2009, đối tượng Xồng Bá Khư đem lòng yêu thương cô Lầu Tồng D, cô gái đẹp nhất bản Phà Xắc nhưng D không thích nên Xồng Bá Khư đã tìm cách cướp cô gái đẹp này. Hôm đó, Khư đi chợ Huồi Đun thì gặp D trong chợ. Khư lấy xe máy chờ D ở cổng chợ để chở về, D không chịu nhưng Khư và nhóm bạn đã bế D lên xe máy rồi chạy thẳng về nhà. Chạy được một quãng đường, D nhảy xuống đường, gãy chân. Nhưng Xồng Bá Khư và nhóm bạn vẫn chở D về nhà mình. 3 ngày sau, khi gia đình Khư chuẩn bị làm đám cưới, D đã ra vườn hái lá ngón ăn tự tử và chết ngay sau đó. Gia đình Khư cho rằng, D là ma nhà mình nên không cho gia đình nhà D đưa thi thể về an táng.
Một cô gái khác 13 tuổi là Lô Thị H. ở bản Tèo, xã Châu Cường đã bị cướp về làm vợ. Lô Thị H. kể lại: Năm 1998 (lúc đó em mới 13 tuổi), Lương Quang Hùng ở bản Bùng, xã Châu Lý là một thợ mộc đến giúp bố cô làm nhà. Một lần, Hùng xin phép gia đình rồi nhờ H. về nhà anh cấy lúa giúp cho bà mẹ. Khi H. đặt chân đến nhà Hùng thì bị mọi người trong gia đình giữ lại, tổ chức cúng ma và bắt H. ở lại nhà Hùng luôn. Từ đó, cô trở thành một người vợ bất đắc dĩ của anh chàng thợ mộc. Cô run rẩy, kể lại với chúng tôi: "Đêm hôm đó, em đã bị Hùng (uống rượu say) rồi bắt em phải làm việc ấy". Đau đớn, sợ hãi nhưng em không biết phải làm sao. Đến 15 tuổi thì em đã có con đầu lòng.... Đến nay, H. đã có 3 đứa con. Hùng đi buôn gỗ được một thời gian thì bị nghiện ma túy, bỏ lên biên giới sống lang bạt. Trong một đêm mưa gió, H. đã cùng các con bỏ trốn về nhà bố mẹ đẻ để ở nhờ.
Năm 2007, Sầm Văn Đức ở bản Phẩy, xã Châu Hồng đã tổ chức một cuộc cướp vợ là học sinh ngay tại Trường PTTH Dân tộc Nội trú Quỳ Hợp. Nạn nhân là em Long Thị Thủy, 16 tuổi, học sinh lớp 11C. Khoảng 20h tối, chúng nhờ một cô bạn rủ Thủy đi mua bút. Khi Thủy vừa ra đến cổng trường thì bất ngờ bị một nhóm thanh niên bế lên xe máy rồi chạy thẳng. Nghe tiếng kêu cứu của học sinh, anh Nguyễn Minh Đạt (Bí thư Đoàn trường) và tổ giáo viên xung kích nội trú đã truy đuổi theo nhóm thanh niên. Đến địa phận bản Nhang, xã Châu Cường, anh Đạt đã điện báo nhờ lực lượng công an ứng cứu và giải thoát được cho em Thủy.
Cán bộ cũng đi... cướp vợ
Tình trạng cướp con gái đến tuổi dậy thì về làm vợ đã xuất hiện nhiều trong mấy năm trở lại đây ở Miền Tây tỉnh Nghệ An. Trong số các đối tượng đi cướp vợ có cả cán bộ xã. Lữ Văn Bay là Phó Bí thư Đoàn xã Châu Tiến đã đến Trường PTTH Dân tộc nội trú bắt nữ sinh Lô Thị Hằng (16 tuổi) về làm vợ. Sau đó, Bay đã bị kỷ luật về Đảng, cách chức Phó Bí thư Đoàn xã nhưng vẫn tổ chức lễ cưới với cô gái chưa đến tuổi thành niên do mình cướp được. Cũng tại xã Châu Tiến, Vi Văn Vương ở bản Tèn đã trộm Lang Thị Hồng ở bản Cáng về tổ chức lễ cưới khi em mới 14 tuổi. Được biết, sau khi người phụ nữ bị trộm hoặc cướp về, nhà trai sẽ tổ chức ngay một lễ cúng ma để nhập gia, sau đó đưa lễ vật sang nhà gái xin lỗi. Theo tập tục của người Thái và Mông, sau mỗi lần nhập gia là cúng ma, người con gái đã lấy một đời chồng. Như vậy, họ đương nhiên trở thành dâu của nhà trai. Gặp lại những phụ nữ bị trộm (cướp) về làm vợ, họ đều có chung quan điểm: Dù không muốn nhưng họ không thể bỏ đi khỏi nhà chồng. Làm như thế là mất danh giá. Mà danh giá đối với người phụ nữ dân tộc Mông và dân tộc Thái là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, không phải không có những người đã biết tự giải thoát cho mình. Em Long Thị Thủy sau khi thoát khỏi cảnh làm dâu xứ lạ đã quả quyết: "Nếu bị bắt về làm vợ em sẽ bỏ trốn. Em phải lấy một người mà em yêu thương!. Lô Thị Ng là một cô bé xinh đẹp (mới 14 tuổi) ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông bị La Văn Tân ở bản Chơ Hung chặn trên đường đi học, bắt về làm vợ. Khi gia đình nhà Tân chuẩn bị tổ chức cúng ma thì Ng đã dùng gậy đánh cho Tân ngất xỉu rồi bỏ chạy về nhà. Hay như trường hợp của em Lầu Tòng D ở bản Phà Xắc, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) đã tìm đến cái chết để giải thoát cho một cuộc hôn nhân không có tình yêu.
Theo cán bộ Mùa Bá Dênh, nhiều cấp ngành ở Nghệ An đã vào cuộc, tuyên truyền đến tận thôn bản cho bà con hiểu, việc bắt các em gái nhỏ tuổi về làm vợ là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và đạo lý. Tình yêu phải đến với nhau bằng sự tự nguyện, không được bắt ép.
Theo ĐSPL.