Cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tại Việt Nam có thể tăng từ 2 - 3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999. Một điểm đáng chú là khi đó nước biển dâng có thể gây ngập 10 - 23% diện tích TPHCM và 19 - 38% diện tích ĐBSCL.
Đây là nội dung chính trong Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam được công bố với quốc tế chiều 9/9.
Bộ Tài nguyên - Môi trường tuyên bố, đây là kịch bản hài hòa nhất được khuyến nghị để các bộ, ngành và địa phương làm cơ sở đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.
Cụ thể, vào cuối thế kỷ 21, so với thời kỳ 1980 - 1999, nhiệt độ trung bình năm ở Bắc Trung Bộ có thể tăng cao nhất là 2,8 độ C, tiếp đến là Tây bắc 2,6 độ C, Đông Bắc 2,5 độ C, đồng bằng Bắc Bộ 2,4 độ C, Nam Bộ 2 độ C, Nam Trung Bộ 1,9 độ C, Tây Nguyên 1,6 độ C.
Tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa ở tất cả các vùng khí hậu ở nước ta đều tăng. Tính chung cả nước, lượng mưa năm vào cuối thế kỷ 21 tăng khoảng 5% so với thời kỳ 1980 - 1999.
Vào giữa thế kỷ 21 mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển dâng thêm khoảng 75cm. Với mức nước biển dâng này, TPHCM sẽ có 10% diện tích bị ngập, còn ĐBSCL thì có đến 19%. Còn nếu theo kịch bản cao nhất, nước biển dâng 100cm thì 23% diện tích TPHCM và gần 38% diện tích ĐBSCL sẽ ngập trong nước.
Theo PGS - TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường, dung sai cho kịch bản trên là 0,4 - 0,6 độ C đối với nhiệt độ, 1 - 2% đối với lượng mưa năm, 5% đối với lượng mưa tháng.
Mặt khác, các kịch bản BĐKH phải thường xuyên được cập nhật về số liệu, kiến thức, mô hình và phương pháp tính. Cuối năm 2010 hoàn thành việc cập nhật các kịch bản BĐKH ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng cho từng giai đoạn từ 2010 đến 2100. Đến năm 2015 lại tiếp tục cập nhật.
Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, việc xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH là một trong những nội dung quan trọng và cấp bách nhất.
Theo ngài Đại sứ Đan Mạch Peter Lysholt Hansen, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Nạn nhân chủ yếu của BĐKH chính là những người nghèo.
Vì thế Việt Nam cần trình bày kịch bản này tại Hội nghị các bên tham gia Hiệp ước về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 15 (UNFCCC) tổ chức tại Copenhagen vào tháng 12 tới để cho cộng đồng quốc tế có những kế hoạch giúp đỡ Việt Nam đối phó với BĐKH.
Theo Dân trí.