Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)
Phiên chất vấn chiều 16/11 sôi động, dồn dập với hàng loạt vấn đề “nóng” được các đại biểu “truy” gắn với trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đông) ghi nhận, trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có nhiều thành tích trong việc phát triển thị trường nhưng trong lĩnh vực quản lý thị trường thì “kém từ đầu nhiệm kỳ đến nay”.
“Cử tri rất bức xúc, Bộ trưởng lúc nào cũng nói “Quyết liệt, quyết liệt!” nhưng mọi việc vẫn như cũ” – ông Thuyền nhận xét.
Vị đại biểu truy: “Tôi đi tiếp xúc nghe cử tri nói mãi về việc phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan. Thế mà vẫn chưa khắc phục được. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?”
Đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng trăn trở, “làm thế nào đừng để ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu đầu tư. Hàng hóa thì xuất thô, xuất bán thành phẩm mùa nào loại ấy mà chưa có công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi sản xuất và bảo quản”.
Đặc biệt là, phân bón, vật tư nông nghiệp làm giả tràn lan, sử dụng chất cấm vô tội vạ. Phương tiện kiểm định thiếu thốn, thô sơ. Các biện pháp đấu tranh phòng chống gian lận, buôn lậu, xử lý ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn. Cán bộ chưa làm hết trách nhiệm.
“Với tình trạng như hiện nay nếu không được giải quyết kịp thời thì xin Chính phủ cho cử tri biết, đến bao giờ hàng hóa Việt Nam mới có thể cạnh tranh lành mạnh, người nông dân Việt Nam có trình độ sản xuất ngang tầm các nước? Đến bao giờ hàng hóa Việt Nam do người nông dân sản xuất đến được với những thị trường khó tính, giúp người nông dân Việt Nam làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình, không còn tình trạng được mua mất giá, được giá mất mùa?” – đại biểu Khá đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết, tại kỳ họp thứ 9, bà đã chất vấn trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong việc chuẩn bị các giải pháp hạn chế rủi ro khi Cộng đồng ASEAN (AEC) ra đời.
Theo đó, thị trường ASEAN sẽ trở thành thị trường chung; hàng hóa, lao động, doanh nghiệp các nước ASEAN tự do vào Việt Nam sau ngày 31/12 năm nay.
Mặc dù đã nhận được văn bản trả lời của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhưng bà Thúy thú thực rằng, văn bản trả lời chưa sát với nội dung chất vấn.
“Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Việt Nam đã gia nhập AEC nhưng tôi thấy từ người lao động đến doanh nghiệp đều chưa có tâm thế sẵn sàng và chưa thấy Chính phủ công bố giải pháp gì cho vấn đề này” – bà Thúy lo lắng.
Vị đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết, vì sao cho đến nay Chính phủ vẫn chưa có, hoặc chưa công bố giải pháp? Ai là người chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ đó? Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có cam kết gì trước người dân và doanh nghiệp?
Cũng trong phiên chất vấn chiều nay, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính có công bố cụ thể về tình hình nợ công.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đây là vấn đề này để lại nhiều băn khoăn, lo lắng cho cử tri, khi mà nợ công đã gần đến ngưỡng không an toàn, ngân sách Nhà nước không đủ để trả nợ mà phải vay để trả nợ.
Ghi nhận Bộ Tài Chính đã thực hiện tiết kiệm tốt trong chi tiêu ngân sách thời gian qua, có lĩnh vực tiết kiệm được 22.700 tỷ đồng, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cũng băn khoăn, vẫn có những khoản chi rất lớn trong khi chi lương lại hạn chế. Trong đó, riêng chi cho phụ phí xe công lên tới 13.000 tỷ đồng mỗi năm là quá lớn.
Trong chiều nay, các thành viên Chính phủ và các Bộ trưởng tiếp tục đăng đàn để trực tiếp trả lời những vấn đề trên.
Theo Bích Diệp DANTRI.COM.VN