Sau một thời gian dài quay lưng với sản phẩm trong nước, những năm gần đây, nhiều người tiêu dùng đã lấy lại thói quen mua hàng Việt Nam. Cùng với đó, hàng loạt cửa hàng thời trang Made in Vietnam xuất hiện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Đầu tiên phải kể đến Công ty TNHH thương mại Việt Tiến với chuỗi gồm 14 cửa hàng “Made in Việt Nam - Hơn cả thời trang” và đã đăng ký thương hiệu Vietbrothers từ năm ngoái. Đây là chuỗi cửa hàng có hệ thống, được đầu tư khá bài bản, ngày càng khẳng định uy tín thông qua việc tăng trưởng không ngừng doanh số, các chi nhánh và sự phục vụ khá chuyên nghiệp, đến nay đã có website riêng. Sau thành công của Vietbrothers, hàng loạt các shop “made in Vietnam” khác cũng không ngừng phát triển, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, đa số là các shop tư nhân.
Khảo sát qua một số tuyến phố như Cầu Giấy, Thụy Khuê, Kim Mã, Phan Đình Phùng, Tôn Đức Thắng, Quán Thánh... có thể thấy số lượng shop trưng biển Made in Vietnam lên đến hàng trăm. Khách hàng dễ dàng tìm thấy những sản phẩm của các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Levi’s, Abecrombie, American Eagle, Mango, Zara, Old Navy, GAP, Puma, Adidas… trong các cửa hàng này với giá dễ chấp nhận hơn nhiều so với cùng thương hiệu đó ở nước ngoài hay các store tại Việt Nam.
Có thể thấy, tuy mẫu mã còn hạn chế nhưng lợi thế của các sản phẩm may trong nước là giá cả vừa phải, đường kim mũi chỉ chắc chắn và sự an toàn với người sử dụng. Anh Nguyễn Tấn Nam, một người chuyên bỏ mối hàng made in Vietnam cho các shop tại Hà Nội và TP.HCM cho biết: Chất lượng hàng Việt Nam rất ổn, đảm bảo hơn hẳn hàng Trung Quốc.
Hàng made in Vietnam được người “sành” mua đánh giá cao là các sản phẩm xuất dôi dư của các công ty may xuất khẩu (hàng Việt Nam xuất khẩu). Sản phẩm thừa, lỗi chiếm tỷ lệ từ 1-5% trong mỗi đơn hàng gia công cho các thương hiệu thời trang nước ngoài, được các công ty may trong nước bán thanh lý sau khi hàng đã xuất đi.
Một số thương hiệu khắt khe thì hạn chế việc bán các sản phẩm thừa, lỗi của mình ra thị trường bằng cách cho quay thành sợi, cắt nhỏ sản phẩm, hủy nhãn mác. Còn lại đa số các đơn hàng sau khi xuất đi thường cho phép thanh lý toàn bộ sản phẩm thừa, lỗi lên đến hàng nghìn chiếc. Tuy nhiên, với các shop, để chọn được kiểu dáng, kích cỡ phù hợp với người Việt Nam không phải dễ, và thường các công ty may ưu tiên cho các đầu mối lớn, có khả năng bao tiêu tất cả lô hàng.
Một nguồn hàng nữa, đó là do các công ty may tận dụng số vải thừa mà đối tác nước ngoài gửi sang cùng với mẫu mã sẵn có để gia công theo kích cỡ người Việt rồi bán ra thị trường cũng được xem là có chất lượng khá ổn. Thêm vào đó, thời gian gần đây, các thương hiệu lớn như Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè, Đức Giang... đã chú trọng hơn đến thị trường trong nước, nên quần áo made in Vietnam cũng gồm cả những lô hàng chất lượng đảm bảo từ các công ty chuyên xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng theo anh Nam, khi mua khách hàng cần lưu ý về chất lượng vải, vì không ít hàng gia công tại các cơ sở may nhỏ lẻ cũng trôi nổi, tuồn vào các shop Made in Vietnam, nhất là những shop nhỏ ăn theo. Chị Đỗ Thanh Huyền, một khách “ruột” của hàng made in Vietnam cũng cho biết: Do có quen biết với một người bạn làm trong công ty may xuất khẩu nên có những đợt hàng xuất khẩu bị kiểm tra thu lại, chị đã mua được một số sản phẩm.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng chị đã thấy những mẫu mã tương tự bán nhan nhản trong các shop Made in Vietnam mà chất vải và đường may thì thua xa những sản phẩm chị mua được. Đây là những sản phẩm được gia công tại các cơ sở may nhỏ. Các đầu mối cập nhật những mẫu hàng Việt Nam xuất khẩu mới, mua vải tương tự, thuê các cơ sở gia công rồi đổ cho các shop, ăn theo uy tín của hàng Việt Nam xuất khẩu. Cá biệt, nhiều sản phẩm còn được đặt hàng may tại Trung Quốc, tuồn về Việt Nam và núp bóng hàng “made in Vietnam”.
Đơn cử như các sản phẩm của MNG xuất khẩu bắt buộc phải có mác trên cổ áo, bộ tem ở thân áo đủ 4 chiếc, tag ghi giá có số series trùng với mác bên trong, cúc có dập chữ MNG. Tuy nhiên, tại không ít shop, các mẫu áo sơ mi không tem mác gì nhưng lại hồn nhiên đính kèm tag “MNG Basic”... Hay nhiều sản phẩm khác không hề có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, khi được hỏi thì nhân viên bán hàng chỉ giải thích chung chung là “hàng công ty trong nước xuất khẩu thừa”.
Thiết nghĩ, tuy cụm từ Made in Vietnam chỉ để chỉ nguồn gốc các sản phẩm được bày bán là do Việt Nam sản xuất chứ không phải thương hiệu riêng nào, nhưng đối với người tiêu dùng nó được coi là những sản phẩm có chất lượng trong nước. Trong khi hàng Việt đã bắt đầu lấy lại uy tín, nên chăng các cửa hiệu trưng biển Made in Vietnam cũng cần đảm bảo chất lượng các mặt hàng để tạo niềm tin với khách hàng.
Theo ANTĐ.