Cả làng hồn nhiên kéo nhau đi… phá rừngDân làng Típ vốn có truyền thống phá rừng lấy đất làm rẫy. “Làng mình không đói nữa đâu, rẫy làng mình bên Sa Thầy nhiều lắm, cả làng kéo nhau đi phát cả cánh rừng dài mà” - ấy là niềm tự hào hồn nhiên của làng Típ.

“Luật” của người J’rai

 

Làng Típ (xã Ia Kreng, huyện Chư Pẵh, tỉnh Gia Lai) với hơn 60 hộ dân, 360 nhân khẩu người dân tộc Bahnar và J’rai, sống bằng nghề làm rẫy. Trước đây, làng sống và canh tác ở hai bên dòng sông Pô Kô, nhưng đến năm 1991, tỉnh Gia Lai - Kon Tum tách làm hai tỉnh. Từ đó, bờ bắc của sông Pô Kô là địa phận xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum, bờ nam là nơi làng Típ chọn sinh sống, thuộc sự quản lý của tỉnh Gia Lai.

Trải qua hàng chục năm, làng Típ đã “học” được cách sống định cư, nhưng tập tục du canh vẫn còn tồn tại khá mạnh mẽ. Mỗi mảnh đất làng chỉ canh tác trong vòng 3 năm, mỗi năm một vụ lúa, lúa ở đây lớn lên nhờ chất dinh dưỡng của cây cối đã được phá và đốt, không có bất kì một loại phân hóa học nào. Vì vậy, sau 3 năm canh tác, đất trở nên bạc màu, lúa không phát triển được, dân làng lại bỏ đi tìm cánh rừng khác để phát, đốt và trồng lúa. 10 năm sau đó, khi mảnh đất cũ đã lên cây, làng sẽ lại quay lại phát cây, đốt thành than và trồng lúa tiếp… 

Theo “luật” của người dân nơi đây, những mảnh đất nào cha ông dòng họ nào đã làm thì đời đời nó thuộc về con cháu dòng họ đó. Dù hàng chục năm không dùng đến, bất chấp những cánh rừng được tái sinh chịu sự quản lý của ngành kiểm lâm, đồng bào nơi đây vẫn xem đó là đất của mình và… vô tư phá.

Vì vậy, sau khi hàng chục ha rẫy nằm bên bờ nam sông Pô Kô, thuộc tỉnh Gia Lai, của làng Típ đã trở nên bạc màu, năm 2008, tất cả hơn 360 người dân làng Típ ồ ạt kéo nhau sang những cánh rừng của huyện Sa Thầy, Kon Tum. Họ phá cả trăm ha rừng phòng hộ để trồng sắn, lúa vì: “Mình đói quá, mình phải làm thôi. Đây là đất của làng Típ mà, trước đây làng mình sống và làm rẫy ở đây mà”.
 
Cả làng hồn nhiên kéo nhau đi… phá rừng_0
 
"Đất của mình mà..."

Dù đã có đường của công trình thủy điện Sê San 3A chạy vào tận làng, nhưng làng Típ vẫn còn xa lạ với quá trình hiện đại hóa. Người dân nơi đây vẫn chỉ sống bằng những hạt lúa trên rẫy. Nên làng vẫn “tự hào” khi phá được nhiều rừng, sở hữu được nhiều rẫy và có được nhiều lúa để trong nhà. “Làng mình không đói nữa đâu, rẫy làng mình bên Sa Thầy nhiều lắm, cả làng kéo nhau đi phát cả cánh rừng dài mà. Hai năm nay, nhà nào cũng có cả trăm bao lúa để trong nhà”, những người đàn ông trong làng Típ tự hào khoe.

“Phép vua thua lệ làng”

Cả làng hồn nhiên kéo nhau đi… phá rừng_1

 

Mỗi gia đình phải mất cả tháng mới thu hoạch xong rẫy lúa nhà mình
 
Dù bị lực lượng kiểm lâm ngăn chặn, người dân làng Típ vẫn ngày ngày âm thầm, lén lút phá rừng làm rẫy. Khi lực lượng kiểm lâm tăng cường ngăn chặn, cả làng Típ đối phó bằng cách huy động từ người già đến trẻ con lên rừng phát… cho nhanh. “Mình để ý lúc nào không có kiểm lâm là mình phát, đêm cũng phát. Có lúc họ kéo vào đông lắm không cho mình làm, nhưng mình đói nên kéo cả làng lên làm là họ không dám làm gì mình cả. Không làm thì lấy gì ăn?”, hai bố con anh Lực, một người dân làng Típ, cho biết.

Hỏi về vấn đề vi phạm pháp luật khi phá rừng, họ trả lời hồn nhiên: “Lúc nào họp thôn cũng được tuyên truyền không được phá rừng, nhưng mình đói thì mình mới làm thôi. Cả làng đông như vậy thì nhà tù đâu mà đủ để nhốt được? Nếu bắt mình đi tù thì nhà nước phải nuôi mình thôi”.

Điều đáng nói là cả già làng, thôn trưởng cũng “nhiệt tình” phá rừng lấy đất làm rẫy. Khi chúng tôi tìm đến nhà già làng và thôn trưởng, cả hai đều đang bận đi thu hoạch trong rẫy lúa dài bất tận cả chục km của làng mình.
 
Cả làng hồn nhiên kéo nhau đi… phá rừng_2
 
Lúa đầy nhà, ấy là niềm tự hào giản đơn của người làng Típ

Ông Nguyễn Hồng Tánh, Chủ tịch xã Ia Kreng, cho biết: “Những rẫy lúa của bà con trước đây là rừng phòng hộ của tỉnh Kon Tum nên thuộc sự quản lý của Kon Tum. Khi bà con phá rừng, lãnh đạo cả hai huyện Sa Thầy và Chư Pãh đã ngăn chặn, tuyên truyền cho bà con rất nhiều nhưng họ vẫn kéo cả làng đi phá rừng.

Do bà con đói quá thì đầu gối phải bò thôi. UBND huyện Chư Păh cũng đã có quyết định để bà con thu hoạch xong vụ này, đến tháng 11 sẽ thu hồi lại đất trả cho Kon Tum. Đồng thời sẽ cấp cho bà con 115 ha đất thuộc huyện Chư Păh và sẽ hỗ trợ phân bón để bà con có thể canh tác được lâu dài”.
 
Theo Dân trí.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC