Đến chiều 16/7, hầu hết các địa phương dự báo bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 1 đã đưa ra các phương án phòng chống bão tại chỗ và yêu cầu tàu thuyền về nơi trú ẩn gần nhất.
Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của bão Conson, chiều 16/7 trời đã râm mát và một vài nơi lác đác có nhiều hạt mưa và khả năng mưa lớn có thể xảy rai.
Dự báo bão Conson có thể đổ bộ vào Nghệ An, PBCLB tỉnh đã ra phương án kêu gọi tàu thuyền đang đánh bắt cá trên biển vào nơi trú ẩn gần nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.....
Tính đến 16h30 phút ngày 16/7, hầu hết các tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, vẫn đang còn 240 tàu thuyền trên đường vào bờ trú ẩn.
Ông Nguyễn Đình Chi - PCT UBND tỉnh Nghệ An - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đã gửi công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, các thị xã; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành liên quan nắm chắc số lượng tàu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn về nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh, trú bão; huy động nhân dân triển khai ngay việc chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; cấm tàu thuyền không được ra khơi.
Hiện các địa phương trong tỉnh đang tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven biển, vùng cửa sông, ven sông, suối, các khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ sạt lở để có kế hoạch chủ động sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; hướng dẫn người dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa lũ dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt việc đối phó với tình huống có mưa, lũ lớn, bị chia cắt dài ngày.
Tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là nơi có nhiều ngư dân, tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhất tỉnh Nghệ An với tổng số 2.400 tàu thuyền (trong đó có 1.500 đánh bắt xa bờ) của các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Tiến Thủy, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập đến thời điểm này cơ bản các tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn.
Trao đổi với ông Hồ Phúc Hợp - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, thực hiện công điện khẩn của UBND tỉnh Nghệ An, đến thời điểm này huyện Quỳnh Lưu đã huy động và liên lạc đầy đủ với số tàu thuyền nêu trên vào nơi trú ẩn gần nhất an toàn. Riêng đối với các hộ dân sinh sống gần biển huyện phối hợp với các xã để chủ động di dân khi khẩn khấp theo mực nước lên tại các xã. Tuy nhiên, xã được chú ý nhất là Quỳnh Phương đã lên phương án di dân tại chỗ.
Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn gửi các địa phương, chỉ đạo việc thực hiện kiểm tra chặt chẽ và lên phương án chuẩn bị đối phó với bão Côn Sơn.
Trong đó đặc biệt 6 huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm này đã chuẩn bị các phương án di dời dân để đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão có thể ảnh hưởng đến khu vực, kiểm soát chặt chẽ, không cho tàu thuyền ra khơi.
Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngoài hàng nghìn tàu, thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn, những tàu thuyền và các lao động trên tàu còn hoạt động ngoài khơi đều đã nhận được thông tin về cơn bão và có liên lạc thường xuyên với gia đình. Hiện các phương tiện còn hoạt động ngoài khơi đang trên đường tìm nơi trú ẩn.
Tại Huế, trưa 16/7, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB và TKCN) tỉnh TT-Huế đã có công điện khẩn gửi các địa phương, ban ngành đoàn thể trong tỉnh về diễn biến cơn bão số 1 và công tác đối phó.
Tại khu vực TT-Huế từ đêm nay sẽ có mưa, mưa vừa và dông. Vùng biển gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8, biển động dữ dội.
Ngay từ khi xuất hiện bão, Văn phòng BCH PCLB và TKCN đã tổ chức trực ban 24/24, triển khai công tác đối phó; điện cho Bộ đội Biên phòng phối hợp với các huyện vùng đầm phá kêu gọi ngư dân về nơi trú ẩn an toàn.
Tính đến 18h tối 16/7, tất cả phương tiện lao động trên biển đã vào bờ an toàn.
Tại các nhà trong TP Huế đã lục tục chuẩn bị kèo, chống mái nhà, dọn dẹp cửa hàng, công sở trước cơn bão. Mưa lớn trong gần 2 tiếng chiều nay đã làm một vài đoạn đường bị ngập nhẹ.
Tại Quảng Ninh, theo nơi được dự báo là tâm bão sẽ đổ bộ, các ngư dân Hạ Long và Vân Đồn cũng đang khẩn trương “chạy” bão:
Dùng dây kiên cố lại lồng bè chuẩn bị phòng chống bão |
Nhổ neo lồng bè nuôi cá để di chuyển đến khu tránh, trú bão |
Ngư dân dùng thuyền để di chuyển nhà bè |
Đến 16 giờ ngày 16/7, hầu hết tàu, thuyền đã về điểm tránh bão an toàn |
Lực lượng chức năng kiểm tra nơi neo đậu tàu, thuyền, hướng dẫn người dân tránh trú bão an toàn |
Tàu vận tải đã về cảng Vân Đồn tránh bão |
Tàu cá đã về nơi trú ẩn an toàn trong Vịnh Bái Tử Long. |
Theo Dân Trí.