Quỹ Phòng chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bao gồm Quỹ phòng chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý.
Quỹ cấp tỉnh được thành lập từ năm 2014, quỹ trung ương chưa hoạt động do vướng mắc về mô hình hoạt động theo Nghị định 78/2021. Nguồn quỹ đến từ sự hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn (tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng); điều tiết từ Quỹ trung ương và giữa các Quỹ cấp tỉnh; tiền lãi các khoản gửi; tồn dư từ năm trước sang năm sau.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, từ năm 2014 đến 20/9/2024, Quỹ Phòng chống thiên tai của 63 tỉnh thành thu được 5.925 tỷ đồng, đã chi 3.686 tỷ, còn kết dư 2.263 tỷ đồng. Quỹ sẽ chi cho ba hoạt động chính là ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và hoạt động phòng ngừa.
Người dân thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội được sơ tán tránh lũ, chiều 12/9. Ảnh: Nguyễn Đông
Ngoài sử dụng Quỹ cho tỉnh mình thì chủ tịch các tỉnh thành có thể quyết định điều chuyển Quỹ để hỗ trợ trung ương cũng như các tỉnh khác khắc phục hậu quả thiên tai. Đơn cử năm 2017 và 2021, TP HCM hỗ trợ Công ty Thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 7,5 tỷ đồng. TP Đà Nẵng hỗ trợ cho 14 tỉnh ở miền Bắc và Trung gần 50 tỷ đồng trong những năm qua.
Sau thiệt hại do bão Yagi, một số địa phương dự kiến sử dụng Quỹ để khắc phục hậu quả, như Lào Cai 5 tỷ đồng, Hải Phòng 50 tỷ, Điện Biên 3 tỷ, Yên Bái 13 tỷ, Thái Nguyên 10 tỷ đồng, theo Cục quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai.
Quỹ địa phương thu chi như thế nào?
Tùy theo thiên tai cũng như quy mô phát triển kinh tế mà Quỹ Phòng chống thiên tai ở các tỉnh, thành phố có sự chênh lệch lớn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, sau 8 năm hoạt động, Quỹ Phòng chống thiên tai kết dư gần 11,7 tỷ đồng theo báo cáo tháng 1/2024. Năm 2023, tỉnh này giao nhiệm vụ thu Quỹ gần 32 tỷ đồng, trong đó truy thu năm 2022 hơn 18,7 tỷ, kế hoạch thu 2023 hơn 13,2 tỷ.
Trên thực tế, Quỹ chỉ thu được 8,9 tỷ đồng của 996 đơn vị, đạt 28% kế hoạch. Nguồn thu chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp với gần 6,7 tỷ, còn lại cấp huyện thu được 1,7 tỷ đồng.
Năm 2023, Lào Cai chi gần 11 tỷ đồng, trong khi thu được hơn 8,9 tỷ. Trong đó chi nhiều nhất là khắc phục phục hậu quả thiên tai với hơn 7,3 tỷ đồng cho 15 công trình bị thiệt hại do mưa lũ từ các năm trước như làm lại đường, kè tường trường học, kênh mương thủy lợi. Gần 3,2 tỷ đồng chi cho các hoạt động phòng ngừa như diễn tập, bảo trì trạm quan trắc; hơn 2,8 tỷ cho phí quản lý tài khoản, SMS banking tại ngân hàng, kho bạc.
Giữa tháng 6/2024, trước khi bão Yagi gây thiệt hại kinh tế hơn 3.200 tỷ đồng, Lào Cai dự kiến thu Quỹ Phòng chống thiên tai được 35 tỷ đồng, chia làm hai đợt, đợt thứ hai kết thúc trong tháng 10.
Theo quyết định số 28/2013, Lào Cai quy định mỗi người phải sơ tán khỏi nơi quy định sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng và mỗi ngày 80.000 đồng cho thực phẩm, nước sạch; chi 100.000 đồng mỗi ngày cho người bị thiệt hại do thiên tai, 200.000 đồng trợ cấp sách vở cho mỗi học sinh. Công trình xây dựng khẩn cấp phòng chống thiên tai được hỗ trợ 3 tỷ đồng.
Bộ đội dầm mình trong bùn nhão tìm kiếm nạn nhân ở Làng Nủ, ngày 13/9. Ảnh: Ngọc Thành
Với những địa phương ít chịu ảnh hưởng của thiên tai và điều kiện kinh tế phát triển, tồn dư quỹ nhiều hơn. Tại Hà Nam, đến cuối tháng 7/2024, tổng thu quỹ trong 6 năm 2018-2023 gần 120 tỷ đồng, chi khoảng 35 tỷ, kết dư gần 86 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 thu hơn 21 tỷ đồng, chi khoảng 2,7 tỷ.
Tại TP HCM, theo báo cáo số 20 tháng 7/2024, kết dư Quỹ Phòng chống thiên tai đến tháng 6/2024 gần 204 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm thu được hơn 28 tỷ, chủ yếu đến từ các quận, thành phố. Tổng chi cho các công tác khắc phục hậu quả, phòng ngừa thiên tai trong 8 năm là 95,4 tỷ đồng, trong đó đã chi 9,4 tỷ và còn 86 tỷ tạm ứng chưa quyết toán.
Đầu tháng 8 năm nay, TP HCM đã ban hành quy định cứu trợ khẩn cấp thiên tai 15 kg gạo cho một người một tháng, ba bình nước loại 20 lít; tu sửa cơ sở y tế, trường học, đảm bảo giao thông được hỗ trợ 500 triệu đồng cho mỗi công trình; 20 triệu đồng cho hoạt động vệ sinh môi trường tại phường, xã; 3 tỷ đồng tu sửa, xử lý và xây dựng khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai.
Đến ngày 21/9, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 61.000 tỷ đồng, dẫn đến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8-7%). Bão và hoàn lưu sau bão làm 299 người chết, 34 người mất tích, 1.929 người bị thương; hư hỏng 238.000 ngôi nhà; trên 195.000 hecta lúa, 47.000 hecta hoa màu, 36.000 hecta cây ăn quả bị ngập úng; trên 4.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.
Gia Chính
Nguồn: VNEXPRESS.NET