Cuộc gặp gỡ định mệnh ở một nơi cách quê hương hàng trăm cây số đã cho anh Đặng Xuân Đạc, ở thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh một đứa con, còn cô bé lang thang có được một gia đình.
Nhưng càng lớn, khuôn mặt buồn tủi và xót xa của cô bé Thau đã làm người bố nuôi xót xa. Anh quyết định đi tìm cha mẹ ruột cho con gái mìnhKhi người con nuôi của mình đã đủ lông đủ cánh, người cha ấy lại cùng con vượt bao chặng đường gian nan để tìm lại nơi chôn nhau cắt rốn cho con.
Hành động cao cả
Đi dọc theo triền đê ngoằn ngoèo bên dòng sông Cầu thơ mộng, chúng tôi tìm về nhà anh Đặng Xuân Đạc, với khuôn mặt hiền lành cùng một nụ cười thân thiện, anh Đạc trầm ngâm kể cho chúng tôi câu chuyện cảm động của đời mình.
Sinh năm 1959, năm 1977, anh Đạc xung phong lên đường nhập ngũ, năm 1984 anh xuất ngũ trở về quê hương làm ăn sinh sống. Cuối năm 1986, trong chuyến đi Quảng Ninh thăm họ hàng, khi qua bến phà Phả Lại, anh Đạc ngồi nghỉ uống nước ở quán của một bà cụ ven đường. Bỗng xuất hiện một cô bé tóc tai bù xù, ăn mặc rách rưới đến xin tiền. Bà cụ bán nước cho biết cháu bé đó bị lạc bố ở đây gần một tháng rồi, không biết quê quán ở đâu.
Hôm trước, cháu bé xuống sông uống nước bị trượt chân ngã, may được người đi phà cứu không thì chết. Vợ chồng anh cưới nhau đã lâu mà vẫn chưa có con. Khao khát được làm cha, làm mẹ, nhưng hạnh phúc bình dị ấy vẫn chưa mỉm cười với họ.
Xuất phát từ tình cảm mãnh liệt ấy, anh Đạc quyết định đưa cô bé về cùng mình. “Trước khi về tôi lấy hòn than viết tên tuổi, địa chỉ lên bức tường ở quán nước của bà cụ, để nếu gia đình cháu có đến đó tìm lại con còn biết mà liên lạc” - anh Đạc nhớ lại.Chị Trần Thị Vàng, vợ anh Đạc rất vui khi có một đứa trẻ trong nhà, chị đã cùng anh đưa con gái nuôi tới chính quyền địa phương để làm thủ tục nhận con nuôi và đặt tên cháu bé là Đặng Thị Thau.
Anh Đạc cười bảo: “Vợ là Vàng, tên con là Thau, đó là hai người phụ nữ quan trọng của tôi, chúng tôi là một gia đình”. Từ ngày có bé Thau, gia đình anh Đạc lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, ngôi nhà nhỏ bé như thêm sức sống mới.
Niềm vui nối tiếp niềm vui khi hai năm sau, chị Vàng có thai và sinh một bé gái, rồi hai cậu con trai nữa ra đời. Nhưng cũng từ đó vợ chồng anh Đạc phải làm lụng rất vất vả để nuôi 4 con nhỏ dại.
Anh Đạc nhận thấy, Thau càng lớn càng có nét buồn trên gương mặt, thỉnh thoảng lại ngồi khóc một mình. Anh hỏi thì Thau bảo: “Con nhớ quê, nhớ bố mẹ, nhớ chị lắm!”. Câu nói ấy đã khiến anh Đạc ngày đêm suy nghĩ. Thương con, anh quyết định phải tìm bằng được bố mẹ đẻ cho Thau.
Hành trình gian nan
Anh Đạc hỏi con có nhớ tên bố mẹ và những người thân không, Thau bảo, chỉ nhớ bố tên là Miêu, mẹ tên là Bới, chị là Mơ… còn quê ở đâu thì không biết. Anh đưa ra các gợi ý để con có thể nhớ thêm chi tiết nào đó về quê hương thì được biết ở quê cháu người ta hay đội cái gì đó ở trên đầu. Có được những thông tin đó, anh Đạc bắt đầu cuộc hành trình tìm quê hương, cha mẹ ruột cho con gái
Anh Đạc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có kết quả. Nhìn gương mặt con buồn bã, như càng thôi thúc quyết tâm trong anh. Đi đến tỉnh nào anh cũng để lại số điện thoại ở các cơ quan công an rồi Hội Chữ thập đỏ.
Nhà nghèo, mỗi lần khăn gói lên đường là tốn kém, nhưng dù tốn kém vợ chồng anh vẫn cố gắng vượt qua. Năm 2007, anh Đạc vay mượn được gần 1 triệu đồng và bán thêm 2 tạ thóc làm lộ phí cùng con đi tìm gia đình. Trong chuyến đi ấy, anh đưa con đi về các tỉnh thuộc Hà Nam Ninh cũ gồm Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Thời gian là 15 ngày, nếu không tìm được thì lại về để chuẩn bị lần sau đi tiếp. Và trên chuyến xe chạy đến TP Phủ Lý, Hà Nam, như có điều gì đó níu kéo họ lại. Anh bảo con xuống xe, hai cha con đến Hội Chữ thập đỏ để dò la nhưng không hy vọng gì. Họ lại cuốc bộ đến công an tỉnh.
Anh Đạc dắt tay con vào gặp trực ban để trình bày nguyện vọng. Ngay lập tức anh được đưa lên Phòng Hồ sơ. Gương mặt khắc khổ của anh, những giọt nước mắt của con gái như càng thôi thúc các chiến sĩ hồ sơ nhanh chóng tra cứu. Từng chồng, từng chồng hồ sơ được đưa ra tra cứu. Chợt một đồng chí công an reo lên: “Thấy rồi!”.
Một tờ khai CMND mang tên Lê Thị Bới, chồng là Đỗ Đình Miêu, trú tại thôn Trịnh Xuân, xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng nay là thôn Trịnh Xuân, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. “Đồng chí công an ngay lập tức dẫn hai bố con tôi đến phường Lê Hồng Phong để xác minh thì điều đó là sự thật. Gia đình chị Lê Thị Bới và anh Đỗ Đình Miêu có một con gái tên là Đỗ Thị Mộng bị lạc từ năm 1986 trong một lần đi với bố về Quảng Ninh. Từ đó tới nay không thấy tin tức gì của cháu”. Anh Đạc hào hứng nhớ lại giây phút hạnh phúc đáng nhớ ấy.
Các chiến sĩ Phòng Hồ sơ, Công an phường Lê Hồng Phong đã đưa cha con anh Đạc tới gia đình chị Bới. Sau giây phút ngỡ ngàng, đã hơn 20 năm trôi qua, từ một cô bé tóc còn để chỏm nay xuất hiện trước mặt chị Bới một cô gái đang độ tuổi thanh xuân tròn trĩnh.
Chị Bới lật tìm những dấu vết trên thân thể của con. Đúng rồi, vết sẹo dài bị chó cắn vẫn còn đây. Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau trong nước mắt như thể sợ lạc mất nhau lần nữa. Chứng kiến cảnh ấy anh Đạc nghĩ cứ như là đang nằm mơ, bao nhiêu khó khăn vất vả, bao nhiêu nhớ thương chờ đợi của con đã được đền đáp.
Chúng tôi tìm về Hà Nam nơi Mộng (tên thật của cô gái) hiện đang sinh sống. Bây giờ thì Mộng vui lắm, ngày ngày đi làm ở Công ty May Hà Nam, thỉnh thoảng đi làm đồng giúp mẹ, có thời gian rảnh, hay mỗi dịp lễ tết em lại lên Bắc Ninh thăm bố mẹ nuôi. Cuộc đời em như chính cái tên của em vậy, giống như một giấc mộng, em giờ đã có hai gia đình để yêu thương.
Theo ĐV.