Có rất nhiều hồ nước nhỏ phía trong Thành Hà Nội, phía trước Cột cờ từng là một hồ nước lớn, hay Hà Nội không chỉ có 5 cửa ô như hiện tại mà có tới 16 cửa ô như Yên Hoa, Yên Tĩnh, Đông Hà, Mỹ Lộc, Đông Yên... đó là những thông tin thú vị về Hà Nội đang được lưu giữ trong “Hoài Đức phủ toàn đồ” - tấm bản đồ Hà Nội được vẽ năm 1831, lần đầu tiên được Viện Khoa học Xã hội Việt Nam công bố.
“Hoài Đức phủ toàn đồ” do 2 tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) - đây có thể coi là tấm bản đồ đầu tiên về Hà Nội vẽ theo phương pháp hiện đại, với các tỷ lệ đo đạc độ chính xác cao. Đây là bản đồ được vẽ trước thời điểm vua Minh Mệnh cho nhập phủ Hoài Đức với trấn Sơn Nam đặt thành tỉnh Hà Nội. Dù đã được lưu giữ trong thư viện Viện thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam (trước là Thư viện Trường Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội) trăm năm qua, nhưng tấm bản đồ này mới chỉ được tìm ra vào cuối năm 2009. G.S Phan Huy Lê cho biết, từ trước đến nay, giới nghiên cứu không hề biết đến sự tồn tại của tấm bản đồ gốc này mà chỉ được tiếp cận nội dung của bản đồ qua bản vẽ lại của Trần Huy Bá năm 1956, với toàn bộ phần phiên âm và chú thích đã được chuyển đổi sang chữ quốc ngữ. Do chỉ được sử dụng bản đồ vẽ lại, nên giới nghiên cứu vẫn còn nhiều băn khoăn về những điều được đề cập đến trong bản sao.
Và nay, Hà Nội những năm đầu thế kỷ 19 hiển hiện rõ ràng. Nó cho những con người sống ở thời điểm sau gần 180 năm biết rằng, Hà Nội khi đó chỉ có 2 huyện là Thọ Xương và Vĩnh Thuận với 13 tổng cùng 247 phường, thôn, trại cùng với đó là cả thảy 16 cửa ô. Khi đọc bản đồ này có thể hình dung ra cả hệ thống hồ đầm từng tồn tại và phân bố ở Hà Nội. Như phía trước Cột cờ xưa là một hồ nước lớn, hồ Hoàn Kiếm khi đó nối với hồ Tả Vọng và kéo dài tới tận Hàng Chuối bây giờ.
Ngoài ra, Hà Nội còn có một hệ thống hồ hiện đã mất đi theo sự phát triển của đô thị là hồ Bảo Khánh, hồ Đồng Lâm, Hữu Vọng hồ... Diện tích Hà Nội thời đó đo được 28 dặm 77 trượng 4 thước (tính theo đơn vị đo lường cổ) và hồ Tây khi đó đo được 21 dặm 78 trượng. Không chỉ có các trục đường giao thông chính của nội đô được đo vẽ tỉ mỉ, chính xác, tại bản đồ, ngay cả những đường giao thông lớn nhỏ nội phường, liên phường, liên thôn cũng được thể hiện hết sức đầy đủ bằng các nét họa sắc sảo. Các nút giao thông cũng được thể hiện rõ ràng. Bên cạnh đó, đọc bản đồ ta còn biết được hệ thống phòng thủ bên ngoài các cửa ô.
Có thể khẳng định, việc tìm thấy bản gốc “Hoài Đức phủ toàn đồ” là tin vui đối với toàn thể giới nghiên cứu lịch sử, không chỉ giúp các nhà nghiên cứu có được cái nhìn cận cảnh về Hà Nội 200 năm trước mà còn giúp các nhà quy hoạch đô thị xây dựng Hà Nội theo hướng bảo tồn những giá trị truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, tấm bản đồ này đang bị xuống cấp tới mức báo động. Nhiều chỗ trên tấm bản đồ đã bị ố vàng, lão hóa do thời gian và nấm mốc xâm thực, đôi chỗ mờ nhạt, mất nét do mảnh vỡ không còn lưu lại... GS.TS Đỗ Hoài Nam - Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết trong thời gian tới, Viện sẽ tìm giải pháp công nghệ hữu hiệu ngăn chặn tình trạng hư hỏng, khôi phục lại nguyên trạng và bảo tồn lâu dài tấm bản đồ này.
Theo ANTD.