"Cần có trục Thăng Long trong quy hoạch Hà Nội""Để kết nối thành phố Hà Nội 4,5 triệu dân với đô thị Hòa Lạc 600.000 người không thể chỉ trông chờ vào tuyến cao tốc Láng - Hòa Lạc. Riêng ý nghĩa về giao thông cũng đã đủ hình thành trục Thăng Long", Phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quy hoạch vùng thủ đô Đỗ Viết Chiến cho biết.

 

- Thưa ông, tại sau phải sau lần báo cáo thứ ba Thường trực Chính phủ vào tháng trước, mới xuất hiện trục Thăng Long trong dự thảo Đồ án quy hoạch chung Hà Nội?

- Ý tưởng này không phải là ngẫu hứng, vì nó đã nằm trong ý tưởng quy hoạch lâu rồi. Đến bây giờ giờ nhiệm vụ giao được bài bản hơn, cơ sở hình thành trục đó chắc chắn hơn.

Thực tế, ý đồ đã có ngay từ khi trình Quốc hội việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô. Lúc đó, thậm chí còn có hai trục phía bắc và phía nam, sau quá trình nghiên cứu thấy không có cơ sở thực tế để hình thành nên bỏ, chỉ còn trục phía tây, tức là trục Thăng Long.

- Trong tương lai, trục Thăng Long sẽ giúp Hà Nội giải quyết vấn đề gì?

- Năm 2030, dân số đô thị Hòa Lạc có thể lên tới 600.000. Để nối đô thị Hòa Lạc với thành phố 4,5 triệu dân thì không thể chỉ trông chờ vào mỗi tuyến đường Láng - Hòa Lạc như hiện nay. Trục Thăng Long sẽ song hành hỗ trợ. Giống như lên Sơn Tây, Xuân Mai sẽ có 2 tuyến đường. Tuyến song hành trên các hướng chính là để hỗ trợ giải quyết các sự cố giao thông. Riêng mặt giao thông đã đủ cần thiết để hình thành trục Thăng Long.

Ngoài ý nghĩa giao thông trục còn có ý nghĩa văn hóa và lịch sử kết nối phía đông là Ba Đình với phía tây Ba Vì - hai vùng văn hóa lớn, Thăng Long và xứ Đoài. Đây là giá trị thứ hai của việc hình thành trục Thăng Long. Còn làm thế nào để tôn được giá trị văn hóa lịch sử thì đó là bước nghiên cứu tiếp theo. Bước quy hoạch chung chỉ trả lời câu hỏi "có hoặc không" đối với trục này. Và tôi khẳng định luôn trục Thăng Long là có thật.

- Vậy theo ông, Thăng Long sẽ là trục giao thông lớn nhất Hà Nội nối Ba Vì với Ba Đình?

- Đây là vấn đề thuộc vào bước nghiên cứu chi tiết sau khi quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã duyệt, tức là còn 2 bước nữa mới có thể trả lời được. Hiện tại chỉ khẳng định có hay không có, thật hay ảo, chứ cũng chưa thể so sánh nó to hơn hay bé hơn Láng - Hòa Lạc. Tất cả sẽ phụ thuộc vào tính chất tuyến đường trong tương lai.

- Trong kỳ họp HĐND Hà Nội vừa qua, có đại biểu cho rằng làm trục thẳng là không phù hợp với phong thủy. Quan điểm của ông như thế nào?

- Các nhà phong thủy, tâm linh cho rằng trục theo phương đông - tây là Thần đạo, Hoàng đạo, không tốt. Nhưng về phương diện quy hoạch, chúng tôi thấy sự cần thiết có trục đường đô thị mang hai ý nghĩa giao thông và văn hóa lịch sử. Còn những ý kiến dựa theo phong thủy là không đủ cơ sở.

- Nhiều kiến trúc sư khẳng định, trục Thăng Long là ý tưởng copy từ nước ngoài. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

- Cơ sở hình thành trục này vừa là ý tưởng của các nhà quy hoạch, vừa xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nếu không có đô thị Hòa Lạc 600.000 dân thì chưa chắc phải ra đời trục này.

Còn học hỏi nước ngoài những điều gần với mình là tất yếu. Có người cho rằng hàng chục km chạy thẳng tắp như thế thì về mặt giao thông không đảm bảo an toàn. Thực tế trục Trường An ở Bắc Kinh (Trung Quốc) dài hàng chục km chạy xuyên qua trung tâm thành phố, qua Tử Cấm Thành. Hay đại lộ Champs - Elysées ở Paris (Pháp) cũng thẳng tắp. Một số thủ đô khác cũng có trục lớn như thế. Đây là xu hướng cạnh tranh phát triển giữa các đô thị. Tất nhiên, không phải vì thế mà người ta có cái gì thì mình cũng phải có.

20100423 03 37 27 0

- Kết thúc trục Thăng Long là trung tâm hành chính quốc gia đặt ở chân núi Ba Vì. Đơn vị lập đồ án tính toán như thế nào khi trung tâm này nằm biệt lập?

- Thực ra, riêng trung tâm hành chính đã là cả một chuyên đề trong đồ án quy hoạch. Trên thế giới, một số nước tách rời khu hành chính ra như Hàn Quốc, Malaysia, Australia... nhưng có nước làm được, có nước chưa. Ví dụ như Seoul (Hàn Quốc) muốn tách ra khỏi trung tâm 30 km nhưng cho đến giờ vẫn chưa hình thành như mong muốn.

Điều quan trọng là phải xác định đó là trung tâm hành chính hay đô thị hành chính. Nếu là đô thị thì phải có dân. Khi đó, trung tâm hành chính chỉ là một phần của đô thị. Nếu chỉ là trung tâm hành chính thì chỉ đứng riêng biệt một mình.

Hiện còn nhiều ý kiến bàn cãi, vấn đề là chọn mô hình nào. Đồ án quy hoạch tầm nhìn tới 2050, lúc đó tư tưởng có thể không phải như ngày hôm nay. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác về an ninh quốc phòng, tài chính... Bây giờ chỉ biết là quy hoạch định hướng trục Thăng Long kết thúc ở Ba Vì, và rất có khả năng khu vực đó sẽ có trung tâm hành chính.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC