Thời gian qua, dư luận tại một khu phố trung tâm của thành phố Lạng Sơn lại xôn xao câu chuyện về nạn buôn người qua biên giới. Qua câu chuyện về thủ đoạn của đối tượng, bài học đề cao cảnh giác – tưởng như ai cũng biết – vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối.
Ngày 22/1, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố hình sự và tạm giam đối tượng Trần Ánh Tuyết sinh năm 1991, trú tại đường Văn Vỉ, phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn về tội mua bán người quy định tại Điều 150 Bộ Luật hình sự.
Được biết, Tuyết đã sử dụng mạng xã hội facebook để lừa đảo, buôn bán nhiều nạn nhân, theo Thời Đại.
Cụ thể, đối tượng Trần Ánh Tuyết đã dùng tài khoản facebook ảo có tên “Lê Yến” để lừa đảo, bán nhiều người sang Trung Quốc. Khoảng đầu tháng 9/2017, Tuyết sang kho hàng bên Lũng Vài – Trung Quốc để mua hàng điện tử về bán.
Tại đây, Tuyết có quen một người phụ nữ Việt Nam tên Quỳnh và đồng ý với Quỳnh đưa người sang bên Trung Quốc bán với giá 15 triệu đồng tiền Việt Nam một người.
Sau đó, Tuyết về Việt Nam, dùng tài khoản facebook nói trên để rủ rê, lôi kéo các bạn gái nhẹ dạ cả tin sang Trung Quốc với Tuyết lấy hàng điện tử về bán. Trong đó, có chị Hoàng Thị H ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Chị H. đã đồng ý và đi đường mòn biên giới vượt biên cùng Tuyết sang Lũng Vài, Trung Quốc.
Tại đây, Tuyết bán chị H. cho đối tượng Quỳnh với giá 15.000.000đ. Sau đó, Quỳnh lại bán chị H. vào sâu trong nội địa với giá 600 triệu đồng tiền Việt Nam để làm gái mại dâm.
Đối tượng Tuyết tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Thời Đại)
Tại Trung Quốc, chị H. bị cơ quan chức năng phát hiện không có giấy tờ hợp pháp, bị bắt giữ và trục xuất về Việt Nam.
Ngày 20/1, do biết mình bị lừa bán, H. đã trình báo với cơ quan công an về hành vi mua bán người của đối tượng Trần Ánh Tuyết. Ngay sau đó, cơ quan điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ đối tượng.
Tại cơ quan điều tra, Tuyết khai nhận đã bán trót lọt nhiều cô gái tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn sang Trung Quốc.
Việc đối tượng Tuyết lừa bán hàng loạt nạn nhân sang biên giới khiến nhiều người phải giật mình. Trước tình trạng nạn buôn người hoành hành ở nhiều nơi, đã có các cuộc tuyên truyền vận động và phần đông người dân đều đã được trang bị kiến thức về mối hiểm họa trên.
Mua bán người xảy ra trên 63 tỉnh thành cả nước
Thời gian qua dư luận cả nước đặc biệt quan tâm vụ mất tích đầy bí ẩn mà người cha nghi con mình bị bắt cóc tại Đà Lạt.
Trong 5 năm qua, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá trên 2.200 vụ, bắt hơn 3.300 đối tượng, tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Trong đó có 55% là phụ nữ, trẻ em gái.
10 bé trai Việt Nam được giải cứu khỏi tay bọn buôn người. (Ảnh: Báo Chinanews.com)
Ông Nguyễn Phong Hòa – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát cho biết, số lượng buôn bán người ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cao trong năm qua, trung bình mỗi năm phát hiện 500 vụ.
Tại Việt Nam hoạt động mua bán người xảy ra phạm vi trên cả 63 tỉnh, thành phố, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên mà còn có mua bán đàn ông, bào thai, nội tạng…
Lo ngại trước sự hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc nhiều năm qua đối với hoạt động mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc, một nước có đường biên giới sát Việt Nam
Tình trạng buôn bán người và mua bán nội tạng sang Trung Quốc đặc biệt gây quan ngại trong nhiều năm qua mà chưa có hi vọng cải thiện khi chính quyền Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân hậu thuẫn cho những tội ác tương tự đối với chính công dân của mình.
Nhiều hãng truyền thông quốc tế đã phơi bày hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc đối với những người tập Pháp Luân Công, môn khí công ôn hòa được đón nhận ở hơn 100 quốc gia nhưng bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.
Ông David Kilgour, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Canada phụ trách vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Số trung tâm cấy ghép tạng ở Trung Quốc tăng 300%, từ 150 đến 600 trung tâm, chỉ vài năm sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu. “Họ kiếm được 9 đến 10 tỷ đô la mỗi năm với ngành công nghiệp ghép tạng đang diễn ra trên khắp Trung Quốc. Rất nhiều tiền, rất nhiều bệnh viện đang tài trợ cho rất nhiều hoạt động thông qua đó”, theo cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, một trong số các nhà điều tra về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc.
Tại Trung Quốc thông tin về nạn mổ cướp nội tạng và sự thật về Pháp Luân Công được kiểm duyệt gắt gao. Các mạng xã hội phương Tây hầu hết đều bị cấm ở Trung Quốc nổi bật là Facebook, ngoài ra có công cụ tìm kiếm Google cũng như chia sẻ video Youtube…
Ngành cấy ghép siêu lợi nhuận này đã kích thích các thị trường chợ đen và các loại hình tội phạm liên quan đến mua bán người và mổ cướp nội tạng, gây lo ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc trong những năm qua.
Nguồn: Mạnh Tiến
DKN.TV