Cắt điện, nóng chịu không nổi, nhiều du khách đến Nha Trang, Vũng Tàu đã bỏ đi hoặc có thái độ khó chịu. Những người làm du lịch ở hai thành phố này than họ thiệt hại quá lớn về uy tín.
Đang vào mùa cao điểm du lịch, lẽ ra nhiều khách sạn ở các thành phố du lịch Nha Trang và Vũng Tàu phải vui mừng vì khách tới đông, nhưng tình hình cắt điện liên tục như hiện nay khiến các cơ sở kinh doanh du lịch chỉ còn biết kêu trời.
Từ giữa tháng 4 đến nay, hàng loạt khách sạn, nhà hàng ở các TP du lịch Vũng Tàu và Nha Trang bị thiệt hại nặng vì bị cắt điện luân phiên. Có khách sạn chỉ trong vòng ba tháng đã thiệt hại gần 600 triệu đồng vì phải chạy máy phát điện, có khách sạn mới rạng sáng khách quẩy balô vừa bỏ đi vừa mắng té tát vào mặt giám đốc vì... “nóng cả trong người lẫn ngoài người”.
Vũng Tàu: khách chửi
Một lãnh đạo của khách sạn Palace (đường Nguyễn Trãi, P.1, TP Vũng Tàu) bức xúc nói: “Từ tháng 4 đến hết tháng 6-2010, chúng tôi đã phải mất 597 triệu đồng mua dầu để chạy máy nổ”. Để chứng minh điều này, ông Nguyễn Văn Minh, tổ trưởng tổ điện khách sạn Palace, đưa chúng tôi cả một bảng thống kê và chiết tính thiệt hại số giờ bị cúp điện. Theo đó, trong tháng 4 khách sạn này bị cúp 100 giờ 25 phút, tháng 5 hơn 180 giờ, còn trong tháng 6 là 130 giờ.
Ông Nguyễn Văn Bản, giám đốc khách sạn Tháng Mười (đường Thùy Vân) lắc đầu ngao ngán: “Làm du lịch mà bị cúp điện thì khổ lắm. Vừa tốn kém vừa ồn ào và tổn hại nhiều thứ mà mình không chủ động được”. Từ khi bị cúp điện luân phiên đến nay, khách sạn này phải dùng máy điện 550 kVA để duy trì hoạt động cho 100 phòng ngủ, nhà hàng, dịch vụ bãi tắm và chiếu sáng công cộng. Theo ông Bản, mỗi ngày bị cúp điện, khách sạn phải bỏ ra 5-6 triệu đồng tiền dầu, thậm chí có tháng chi phí cho tiền dầu lên tới 100 triệu đồng. Chi phí này làm mất của khách sạn gần 50% lợi nhuận so với trả tiền điện lưới.
Trong số những đơn vị làm du lịch ở Vũng Tàu mà chúng tôi tiếp xúc, có lẽ khách sạn Đồi Dừa (đường Phan Chu Trinh, P.2) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ trong tháng 5, đơn vị này đã bị hủy nhiều hợp đồng đón khách lưu trú do cúp điện. Chưa tính các chi phí khác, chỉ tính riêng thiệt hại từ số tiền mất khách lưu trú đã lên đến 250 triệu đồng.
Ông Lê Văn Chinh, giám đốc khách sạn Đồi Dừa, nói: “Thiệt hại về tiền bạc có thể bù đắp được nhưng thiệt hại về uy tín của chúng tôi là quá lớn”. Ông kể: “Sáng 22-5, chúng tôi nhận một đoàn khách du lịch. Hôm đó, điện lực thông báo cúp điện đến 17g. Là chỗ quen nên chúng tôi có thông báo cho khách biết và họ vui vẻ nghĩ rằng ban ngày ra biển chơi, tối về khách sạn có điện là được. Không ngờ cả đêm hôm đó vẫn không có điện. Mới 2g sáng hôm sau, không ngủ được vì quá nóng, khách ùn ùn kéo nhau dậy quẩy balô bỏ về. Họ vừa đi vừa mắng chúng tôi là lừa đảo”.
Trước đó vào trung tuần tháng 5, khách sạn Đồi Dừa cũng bị một đối tác ở TP.HCM kéo 120 khách đi chỗ khác ở vì cúp điện sau gần một ngày lưu trú trong khách sạn.
Không chỉ các khách sạn, khu du lịch lớn mà các nhà nghỉ, quán ăn ở Bãi Sau cũng “bở hơi tai” vì thiếu điện.
Nha Trang: chịu không nổi
Các khách sạn tại Nha Trang (Khánh Hòa) hiện đang chịu lịch cắt điện luân phiên, có ngày mất từ 6g đến 22g. Có khách sạn phàn nàn bị cắt điện lúc 3g hoặc 4g sáng, hay từ 0g đến 2g sáng.
Khách sạn Green (3 sao) trên đường Hùng Vương có 66 phòng, ngày cắt điện phải chạy máy phát điện công suất lớn nên tốn khoảng 360 lít dầu, giá 15.400 đồng/lít, tức khoảng 5,5 triệu đồng, chi phí gấp ba lần so với điện lưới. Anh Trung - trưởng kỹ thuật của khách sạn - cho biết dù thêm chi phí nhưng khách sạn không dám tính thêm vào giá dịch vụ. “Nếu chạy máy phát trường kỳ chắc không chịu nổi” - anh Trung than thở.
Còn khách sạn Ken (2 sao) trên đường Lê Đại Hành có 21 phòng, mặc dù đang mùa cao điểm du lịch nhưng số phòng chỉ kín cao nhất khoảng 2/3 do tình trạng mất điện khiến du khách không chịu thuê phòng. Máy phát điện của khách sạn chỉ phục vụ được quạt, đèn, tivi, chứ không thể chạy thang máy hoặc máy điều hòa. “Nhiều khách đến thuê phòng ba ngày nhưng đến ngày thứ hai thấy cắt điện liền nổi nóng chửi bới rồi trả phòng” - nhân viên lễ tân cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Liêm - chủ khách sạn mini Sao Biển trên đường Hùng Vương - nói không mua máy phát điện vì khách sạn nhỏ không thể bù lại vốn. Từ khi xuất hiện tình trạng cúp điện, ông liên tục bị khách chửi đến mức quen tai. Theo ông Liêm, “khách đến Nha Trang ra đảo chơi cả ngày, tối về chỉ muốn nghỉ ngơi nhưng không có điện nên họ bỏ đi là đúng rồi”.
Các quán cà phê, tiệm bida, Internet... tại TP Nha Trang đều bị phụ thuộc nhiều vào máy phát điện. Anh Thái Sơn - quản lý quán cà phê Trúc Mai Viên trên đường Tô Hiến Thành - cho biết vào ngày mất điện, máy phát ở đây chạy từ 6g30 đến 17g, tốn khoảng 450.000 đồng tiền dầu. “Trước kia mỗi tháng tốn khoảng hơn 4 triệu đồng tiền điện, nay cộng tiền điện và tiền dầu tốn khoảng 10 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng chúng tôi mất thêm gần 6 triệu đồng chỉ vì cúp điện”.
Một chủ quán cà phê giấu tên tâm sự: “Lúc đầu cắt điện chúng tôi chần chừ không dám mua máy phát điện, vì được hứa đến ngày 20-6 tình trạng sẽ khá hơn. Đợi đến ngày 20-6 thấy vẫn cắt điện bình thường nên chúng tôi phải mua máy phát cỡ lớn mất hơn 100 triệu đồng. Việc mua máy phát điện chúng tôi xác định sẽ lỗ vốn, nhưng nếu không mua chúng tôi sẽ mất khách”.
Theo Tuổi Trẻ.