Chàng mồ côi nuôi 6 em ăn họcDù khó khăn, dù cực nhọc nhưng chàng trai vẫn quyết nuôi các em mình ăn học để lên người thay cho cha mẹ đã khuất.

Khuôn mặt khắc khổ, nước da đen sạm, đôi bàn tay chai sạn, ngày ngày chàng trai Trương Thúc Lập (khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) vẫn lặn lội kiếm tiền nuôi 6 em ăn học.

"Cực khổ đến đâu mình cũng chịu được, miễn sao lo cho các em được đi học như tâm nguyện của cha mẹ trước lúc qua đời" - Lập tâm sự.

Cứ 6h sáng, Lập lại lẽo đẽo trên chiếc xe đạp cà tàng đến các công trình xin làm phụ hồ, sơn tít kiếm 50.000đ/ngày, đến tối mịt mới về. Nhiều khi đi làm về, Lập thiếp đi lúc nào không biết. Ngày nào trời mưa, Lập không đi làm được, ngày đó mấy anh em phải ăn cơm với muối.

Sự lo toan hiện lên khuôn mặt khiến em già hơn nhiều so với cái tuổi 20 của mình. Căn nhà tuềnh toàng mà 7 anh em mồ côi đang sống được dựng lên nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm nằm sâu trong một ngõ nhỏ nhìn đi nhìn lại không có gì đáng giá ngoài hai chiếc giường và bộ bàn ghế.

Đầu năm 2004, ba của Lập, ông Trương Thúc Quý qua đời ở tuổi 40 vì bệnh ung thư dạ dày, bỏ lại người vợ trẻ và 7 đứa con thơ mà đứa lớn nhất mới chưa đầy 15 tuổi. Nai lưng từ sáng sớm đến đêm khuya với nghề bán hoa quả, bà Thái Thị Thu Thủy quyết không để cho bất cứ đứa con nào phải nghỉ học.

"Mẹ em bảo đời ba mẹ không được học cái chữ nên phải nghèo, phải khổ. Dù phải bán cả cái nhà này đi mẹ cũng không để đứa nào phải nghỉ học nửa chừng" - Lập nhớ lại. Anh em họ hàng ai cũng nghèo, người mẹ ấy chạy vạy mãi cũng chỉ đủ nuôi 8 miệng ăn trong nhà, còn tiền học của các con đều phải vay ngân hàng.

Nỗi đau mất cha chưa nguôi thì năm 2008 mẹ Lập cũng đột ngột qua đời vì bệnh ung thư gan. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, 7 anh em Lập phải sống phận mồ côi.Là anh đầu trong nhà, giờ Lập trở thành người trụ cột, gánh vác trọng trách làm cha, làm mẹ nuôi 6 đứa em ăn học. Thêm vào đó là số tiền nợ ngân hàng 30 triệu đồng trước đó mẹ Lập vay chữa bệnh cho chồng và nuôi các con ăn học.

Thương anh, các em của Lập đòi nghỉ học để bớt một phần chi phí và có thời gian phụ anh kiếm tiền mưu sinh nhưng Lập một mực: "Khi ba mẹ còn sống đã không cho đứa nào nghỉ học dở chừng, giờ anh cũng thế. Các em có thương anh, thương ba mẹ nơi chín suối thì phải gắng đi học và học cho giỏi".

Xót thương trước hoàn cảnh của anh em Lập, thi thoảng bà con lối xóm cũng gom góp ký gạo, bó rau, quả trứng sang cho. Mấy cô chú trong nhà có ý định mang hai đứa em út của Lập về nuôi nhưng Lập nhất quyết: "Các em cháu không phải đi đâu cả, ở nhà có thiếu thốn, anh em cháu cũng quyết nương tựa vào nhau!". Đầu năm học vừa rồi, Lập phải chạy ngược chạy xuôi, thậm chí ứng trước tiền công để lấy tiền mua sách vở, quần áo cho các em.

Đáp lại sự hy sinh của anh, năm nào các em của Lập đều chăm ngoan học giỏi. Riêng người em kế Trương Thúc Linh, kỳ thi đại học vừa qua em đã đăng ký dự thi vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, nhưng biết điều kiện gia đình nên đành gác giấc mơ đại học, xin học trường trung cấp nghề tại thị xã để mau ra trường có việc làm phụ giúp anh cả nuôi các em...

Bóng chiều buông, Lập trở về nhà sau một ngày lao động cật lực nơi công trình. Đưa số tiền công sau một tháng làm việc cho đứa em thứ ba đong gạo, mua đồ nấu ăn... Lập lại đến bên mấy đứa em hỏi chuyện học hành, trong đôi mắt Lập có bóng mây bay qua...

Theo CAND.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC