14 tuổi tự làm máy bay mô hình, 26 tuổi Phạm Gia Vinh (Hà Nội) đã xuất khẩu máy bay mô hình sang các nước châu Âu.
Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười thường trực trên môi, Vinh cho biết, những ngày này công ty tất bật với việc thử nghiệm sản phẩm mới.
Bố mẹ làm ngoại giao ở Đức, từ nhỏ Vinh đã làm quen với nền văn hóa châu Âu, với các loại máy bay mô hình. Khi được dẫn đi xem phố phường, Vinh thường dừng lại rất lâu ở cửa hàng bán máy bay mô hình, nhưng chẳng đủ tiền mua. Cậu tự nhủ phải tự làm được một chiếc như thế.
Đến năm lớp 9, khi đã trở về Việt Nam, tham gia vào diễn đàn hàng không, được các đàn anh hướng dẫn, Vinh mua phụ tùng rồi tự nhốt mình trong phòng, quyết tạo ra chiếc máy bay của riêng mình. Anh hì hụi cắt, vẽ suốt 20 giờ một ngày, chỉ dành 4 giờ để ăn và ngủ. Sau một tuần, chiếc máy bay mô hình đầu tay của Vinh cũng thành hình.
Kết thúc những năm học phổ thông, Vinh lưỡng lự giữa hai ngành kỹ thuật hàng không và điều khiển tự động. Cuối cùng anh chọn điều khiển tự động bởi nó là ngành mũi nhọn mà Việt Nam đang cần. Anh sang Pháp học và sau đó lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành điều khiển tự động.
Từ chối những lời mời ở lại Pháp làm việc với mức lương hấp dẫn, Vinh trở về Việt Nam và thành lập Công ty máy bay mô hình Đông Giang Việt Nam. Anh cho biết không muốn làm thuê cho nước ngoài mà muốn đem hiểu biết của mình phục vụ đất nước.
Ban đầu, công ty Đông Giang chỉ thiết kế máy bay trên giấy. Sau này, Vinh cải tiến bằng cách thiết kế trên máy tính và cắt tự động bằng tia laze. "Lần đầu tiên cắt được cái mặt người chứ chưa phải một cái máy bay bằng tia laze, mình đã sướng rơn. Rồi việc đào tạo nhân sự cũng rất căng thẳng bởi chẳng có trường lớp nào. Mình phải bắt tay làm mẫu, rồi hướng dẫn công nhân trong suốt hơn một năm, Vinh kể về những ngày đầu gian khó.
Sản phẩm của Vinh chủ yếu phục vụ vui chơi giải trí và và nghiên cứu, ứng dụng. Máy bay mô hình phục vụ vui chơi giải trí anh dành để xuất khẩu ra các nước châu Âu. Còn loại máy bay ứng dụng có thể dùng trong cứu hộ cứu nạn, quan trắc, công ty phục vụ chủ yếu cho quốc phòng.
Vinh sắp cho ra lò gói sản phẩm mạch tự động, máy bay không người lái. Ưu điểm của loại này là người sử dụng không cần qua khóa đào tạo quá phức tạp, bởi máy bay hoàn toàn tự động, tự chọn độ cao, hoạch định chức năng, có thể gắn camera quan sát. Nó có kích thước nhỏ bằng bao thuốc lá trong khi thiết bị hiện có bằng nguyên một cây thuốc lá. Để có sản phẩm này Vinh mất hơn 3 năm để nghiên cứu.
Vừa nghiên cứu thiết kế vừa quản lý công ty, nhưng Vinh chưa bao giờ thấy áp lực. "Mình luôn hài hòa giữa công việc và bạn bè, gia đình. Khi chơi là làm mà khi làm cũng là chơi. Mình có thể vừa bế con vừa nghe điện thoại của đối tác, vừa lau nhà vừa suy nghĩ công việc", anh chia sẻ.
Với chàng trai 28 tuổi này cái được nhất khi sản xuất máy bay mô hình không phải là tiền bạc mà chính là bè bạn ở diễn đàn hàng không. Họ gồm nhiều tầng lớp, lứa tuổi. Có người đã về hưu, có người là đại gia nhưng cũng có người chỉ lái xe bus, thợ sửa máy điều hòa. Người bạn nhỏ tuổi nhất của Vinh là cậu bé đang học lớp 8, mới 14 tuổi, quốc tịch Pháp. Còn người bạn già nhất đã 90 tuổi.
"Sắp tới tôi sẽ tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời ưu tiên cho thị trường trong nước. Hy vọng máy bay mô hình sẽ được người dân Việt Nam biết đến nhiều hơn", Vinh cho hay.
Theo VNE.