Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ nỗi bức xúc về văn hóa giao thông quá kém ở Việt Nam. Ông đã nhiều lần bị mắng là "lão già hâm" khi dừng lại trước đèn đỏ.
Muốn biết văn hóa giao thông của dân ta như thế nào, chỉ cần ra đường sẽ thấy ngay. Xe chạy không theo làn đường. Xe đạp, xe máy chen vào làn đường ôtô và ngược lại. Nhiều khi xe máy đi lên vỉa hè, bất chấp người đi bộ không còn lối đi nữa. Chuyện bất thần tạt ngang mũi xe để rẽ cũng không phải hiếm gặp.
Gần đây, ở một số ngã tư, Hà Nội không dùng đèn xanh, đèn đỏ mà bắt đi vòng. Nếu tính ra thì tốn tiền xăng cho nhà nước và cho xã hội rất nhiều và cũng không tránh được ùn tắc. Nhưng tại sao người ta phải làm như vậy? Là vì dân mình không có thói quen tôn trọng đèn xanh, đèn đỏ. Tất cả thế giới người ta đi theo đèn tín hiệu giao thông, riêng nước mình cứ phải vòng vèo như thế.
Có một lần tôi đi Ai Cập, xuống sân bay được các bạn đón, tôi thấy xe chạy rất lạ. Tôi hỏi xe ở đây chạy theo làn thế nào, họ cười bảo: “Ở đây làm gì có làn đường. Người ta có câu, nếu lái xe được ở Cairo thì có thể lái xe khắp thế giới”. Tôi bật cười và bảo: “Nhưng ông lái xe được ở Cairo, chưa chắc đã lái được ở Hà Nội”. Nói thế không ngoa chút nào. Các bạn nước ngoài lần đầu tiên, kể cả lần thứ hai, thứ ba sang Việt Nam được chúng tôi đi đón ở sân bay về, họ không những ngạc nhiên, mà còn kêu hú lên rất nhiều lần vì tưởng đâm nhau đến nơi rồi. Họ hỏi ở đây đi theo luật nào, tôi trả lời là đi theo cảm giác, cảm tính. Thực ra, chẳng cần nói, những người ở nơi chấp hành luật giao thông tốt cũng thấy ngay vấn đề bất cập của ta.
Một lần khác tôi đi xe máy lên thăm mẹ tôi. Tính tôi cẩn thận, bao giờ cũng phải thấy đèn xanh mới đi. Qua ngã tư chỗ Trung tâm hội nghị quốc tế, gần sang đến bên kia đường, bỗng có cậu thanh niên lao vèo qua đầu xe. Nếu tôi xử lý không nhanh thì hai xe đâm nhau rồi. Hay rất nhiều lần thấy đèn đỏ tôi đi xe từ từ để dừng lại thì bị mấy anh đằng sau húc ngay vào đuôi xe. Hoặc có trường hợp đường vắng, thấy đèn đỏ tôi dừng lại, mấy anh đằng sau phóng vù vù, thấy bị cản đường, họ còn mắng "lão già hâm". Kể chuyện đó để thấy ý thức chấp hành giao thông của ta quá kém, hay chính xác là không có văn hóa giao thông.
Ông Nguyễn Minh Thuyết trên diễn đàn Quốc hội. Ảnh: TTXVN. |
Theo tôi, tình trạng kẹt xe tại các đô thị hiện nay chủ yếu là do ý thức tôn trọng pháp luật của dân mình kém. Ở nước ngoài, mỗi gia đình đều có luật sư riêng, nếu người ta không hiểu luật thì đã có luật sư tư vấn. Còn ở ta, dân không có ý thức pháp luật. Không phải tôi chê mọi người, mà tôi cũng chê chính tôi. Ngay hồi tôi dạy ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thực sự mà nói, là cán bộ nhà nước, có trình độ, nhưng tôi chủ yếu quan tâm tới chỉ thị, thông tư của cấp bộ hướng dẫn, chứ ít khi đọc luật. Trừ luật giáo dục tôi phải đi giảng cho sinh viên thì nắm được, còn nói chung ít quan tâm đến luật lắm.
Riêng về luật giao thông, ở các nước văn minh, ai cũng phải học và đi lại rất nghiêm chỉnh; đi trái luật mà bị thiệt mạng cũng chẳng ai đền. Cảnh sát mà bắt được còn bị phạt rất nặng. Nhưng dân mình thì cứ mua được xe máy là nhảy lên cưỡi, không cần gì đến luật.
Nguyên nhân thứ hai của tình trạng kẹt xe hiện nay chính là xử lý vi phạm về giao thông của ta chưa nghiêm. Ở nước ta có cái kỳ lạ là người đi xe to, xe đắt tiền hơn bao giờ cũng phải chịu thiệt so với anh xe bé, mặc dù anh xe bé có thể đi trái luật. Cảnh sát hoàn toàn có thể vận dụng luật giao thông để nói người lái xe to không làm chủ tốc độ. Đấy là khái niệm rất mơ hồ, vì thế nào là không làm chủ được tốc độ? Ôtô có phanh kịp thời thì cũng phải trượt đi vài mét mới dừng hẳn được. Chính vì cảnh sát xử lý không nghiêm nên người dân không sợ.
Mặt khác, nhiều trường hợp xử lý vi phạm giao thông phát sinh tiêu cực. Ví dụ, biết rằng bị cảnh sát viết vé phạt thì vừa phải giữ xe vừa phải đi lên kho bạc nộp tiền nhiều, nên nhiều người chọn cách đưa số tiền tương đương hoặc ít hơn cho cảnh sát thì được đi ngay. Chắc chắn về sau, người đó sẽ lại vi phạm luật giao thông vì yên trí đã có cách giải quyết “nhanh gọn” rồi. Trên đường trường, không hiếm xe chở quá trọng lượng nên mất lái, gây tai nạn. Vì sao những xe như vậy qua được bao nhiêu chốt trạm dọc đường? Chắc bác tài đã phải chung chi cho các chốt? Như vậy, tiêu cực trong cảnh sát giao thông cũng là một nguyên nhân.
Cơ sở hạ tầng của ta không đồng bộ, vượt quá ngưỡng cho phép, luôn luôn gây ùn tắc cũng là một lý do khiến nhiều người đi ẩu. Ví dụ, nội thành Hà Nội trước đây chỉ thiết kế cho 250.000 dân, nhưng bây giờ thành mấy triệu người. Rồi ta lại phát triển nhà cao tầng trong phố, dân nhiều hơn, song đường có to ra đâu, nên cũng gây thêm tắc nghẽn. Nhưng chật chội không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân số một là ý thức người tham gia giao thông.
Mặc dù nhà trường luôn luôn giáo dục học sinh ý thức kỷ luật, nhưng ra đến xã hội, các em không thấy mấy ai có ý thức, thành ra giáo dục nhà trường trở thành vô nghĩa. Bởi vì các em ở trường giỏi lắm được 6-8 tiếng, toàn bộ thời gian còn lại sống với gia đình và xã hội. Vì vậy, giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội phải kết hợp với nhau.
Không chỉ văn hoá giao thông mà nếp sống văn hoá trong các lĩnh vực khác cũng cần sự giáo dục kết hợp. Tôi lấy ví dụ trẻ con ở nước ngoài dứt khoát ăn không bao giờ bỏ thừa, vì được dạy từ bé là phải ăn hết phần và lấy đủ phần ăn, không lấy thừa. Ở ta ý thức này rất kém. Hồi tôi làm nghiên cứu sinh ở Nga, có anh bạn vứt bánh mì đi, bị bà lao công mắng xơi xơi rằng Việt Nam đâu phải nước giàu mà lại lãng phí như thế. Ở các nước văn minh không có chuyện vứt bánh mì, dù anh có bỏ tiền ra mua. Hay chuyện ra khỏi phòng là phải tắt điện, nguyên tắc đó cả thế giới thực hiện, nhưng ở mình thì không phải đã trở thành hành động quen thuộc của nhiều người. Đây là vấn đề rất đau đầu hiện nay.
Theo Vnexpress.net