"Chiếu dời đô" nặng gần 5 tấn "Chiếu dời đô" - Công trình nghệ thuật thư pháp được chế tác từ 7 tấn gỗ nguyên khối sẽ chính thức ra mắt tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào sáng 2/10.

Chiếu dời đô với phần thiết kế mẫu do nhà điêu khắc Trần Tụy và nghệ nhân chạm khắc Vũ Quý thực hiện đạt kích thước dài 458 x cao 385cm, tổng trọng lượng gần 5 tấn, được chế tác từ 7 tấn gỗ nguyên khối.

Tác phẩm gồm 2 mặt: Mặt trước trình bày nguyên bản chữ Hán Chiếu dời đô do nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách thực hiện, mặt sau là bản dịch phiên âm và bản dịch ra tiếng Việt, tiếng Anh của tác phẩm này.
 
Phần khung của tác phẩm được làm bằng gỗ tự nhiên, phần chữ được các nghệ nhân (trong đó có nghệ nhân Thế Long - người làng gò đồng Đại Bái, Bắc Ninh) gò tay với chất liệu là đồng, mạ vàng 9999.

Chiều cao mỗi chữ là 10 cm, được gắn bằng bulông nghệ thuật bắt chắc chắn trên 12 tấm gỗ hương tự nhiên quý hiếm của Việt Nam.

Đặc biệt, phần nền này được tạo thành bằng 12 tấm gỗ hương, tượng trưng cho 12 tháng của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông với mong muốn tác phẩm sẽ "thuận" theo sự tuần hoàn của thời gian để có thể tồn tại vĩnh hằng với vũ trụ.
 
Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội - cho biết sẽ thực hiện hành trình mô phỏng chuyến dời đô lịch sử của vua tôi nhà Lý theo đường bộ từ cố đô Hoa Lư Ninh Bình về Thăng Long Hà Nội trong ngày 1/10/2010 và ra mắt tại Vườn hoa Lý Thái Tổ vào sáng 2/10.

Sau đó, công trình nghệ thuật này sẽ được mang tới Văn Miếu Quốc Tử Giám để tham gia triển lãm thư pháp nhân Đại lễ. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đang tìm vị trí quan trọng để đặt tác phẩm Chiếu dời đô.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia - kỷ niệm 1.000 năm tiết lộ toàn bộ kinh phí của tác phẩm Chiếu dời đô là bằng phương thức xã hội hóa gồm nhiều thành phần do CLB Thư pháp Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chủ trì thực hiện.
 
Thiên đô chiếu - Chiếu dời đô do Hoàng đế Lý Thái Tổ viết năm 1010, nguyên bản bằng chữ Hán, không chỉ là tác phẩm chính trị nổi tiếng trong lịch sử nước ta mà còn là một áng văn bất hủ, hết sức cô đọng, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vị vua sáng lập triều Lý - triều đại mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ vững chắc, dần tiến đến thái bình thịnh trị của nước Việt Nam.
 
Với Thiên đô chiếu, lần đầu tiên vị thế thủ đô của Thăng Long - Hà Nội đã được xác lập: "Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa; Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội, vi vạn thế đế vương chi thượng đô" (Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa; Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời).

Theo Vietnamnet.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC