Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh vừa được Thủ tướng đồng ý tiếp nhận vốn ODA, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, về lâu dài phải có ĐSCT, còn thời điểm và công nghệ thì cần xem xét.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/9, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc lập dự án đầu tư một số đoạn tuyến đường sắt cao tốc.
Theo đó, để tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh báo cáo Quốc hội, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập Dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn Hà Nội – Vinh, TP Hồ Chí Minh – Nha Trang thuộc dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Nội Bài.
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XII vừa qua, Chính phủ đã báo cáo dự án tiền khả thi và xin ý kiến Quốc hội về chủ trương thực hiện dự án này. Song vì một số nguyên nhân khác nhau, Quốc hội chưa thông qua chủ trương xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này. Do đó, Chính phủ chưa có kế hoạch đầu tư dự án này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ nhận thấy, trong khuôn khổ của báo cáo tiền khả thi trước đó chỉ đạt yêu cầu tiền khả thi, nhưng để các đại biểu Quốc hội xem xét đạt yêu cầu thì cũng cần làm rõ mấy vấn đề như: Lên quy hoạch chi tiết toàn tuyến, trên cơ sở quy hoạch chi tiết này xác định được mốc giới mặt bằng giữ đất cho Quy hoạch này, dù có thể vài ba chục năm mới hoàn thành dự án. Cùng với đó, cần phải đi sâu vào các giải pháp công nghệ của dự án; phải xác định hiệu quả của dự án mà báo cáo tiền khả thi mới chỉ nêu được một vài yếu tố; “Cuối cùng là đánh giá tác động môi trường, tác động kinh tế xã hội… Báo cáo khả thi sẽ đặt vấn đề sâu hơn” – Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành GTVT cũng bày tỏ quan điểm, việc nghiên cứu dự án là việc cần thiết còn đầu tư như thế nào phải dựa trên kết quả nghiên cứu. Thời điểm đầu tư, quy mô, nguồn vốn... là các yếu tố sẽ được Chính phủ cân nhắc kỹ trước khi có thể báo cáo, xin ý kiến Quốc hội. Quá trình nghiên cứu là khá lâu, phải mất từ 3-4 năm nên cần làm ngay từ bây giờ.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng khẳng định, không có bất cứ ràng buộc nào giữa việc nghiên cứu lập dự án với việc triển khai đầu tư dự án (nếu có) sau này.
“Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ cũng chưa xác định được thời điểm trình Quốc hội dự án này. Mọi việc phải chờ sau khi dự án nghiên cứu hoàn thành mới tính toán kỹ được” – Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.
Theo VTC News.