Các tuyến metro TP.HCM đang chậm do vốn chưa được Quốc hội thông qua. Ảnh: Internet
Theo nguồn tin báo Pháp Luật TP.HCM, ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức, đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (Bến Thành-Tham Lương).
Theo đó, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng công trình xây dựng tuyến metro số 2 tại TP.HCM là một trong những dự án được thỏa thuận trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam.
“Rất tiếc tiến độ thực hiện dự án này giờ đây đã bị chậm lại rất nhiều. Nhưng mặt khác, trong một năm rưỡi qua cũng đã có những bước tiến tốt đẹp nên giờ đây một số gói thầu trong số những gói thầu xây dựng và cung cấp thiết bị quan trọng nhất đang được đấu thầu…” - ông Christian Bergr thông tin.
Tuy nhiên, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng đến năm 2018 có thể ký được những hợp đồng cung cấp thiết bị đầu tiên, điều quan trọng là việc đội vốn dự án này phải được Quốc hội chấp thuận. “Theo tôi biết, việc này sẽ được trình lên Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới. Trường hợp không trình kịp trong kỳ họp này, tôi e rằng dự án sẽ tiếp tục bị đội vốn và tiến độ dự án sẽ một lần nữa bị chậm lại một cách đáng kể…” - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức nhận định.
Vì thế, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức mong muốn Chính phủ sẽ đưa vấn đề trên ra Quốc hội để thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới.
Theo UBND TP.HCM, sau năm 2010, tuyến metro số 2 Bến Thành (quận 1) - Tham Lương (quận 12) được UBND TP phê duyệt với tổng mức đầu tư 1,37 tỉ USD.
Đến năm 2012, liên danh tư vấn IC (tư vấn Đức) đã rà soát và triển khai thiết kế chi tiết so với thiết kế cơ sở với tổng mức đầu tư 2,1 tỉ USD. Vì vậy năm 2015, UBND TP đã trình Thủ tướng hồ sơ xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Theo đó, UBND TP kiến nghị Chính phủ duyệt chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án. Đồng thời giao UBND TP tiếp tục là cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án tuyến metro số 2.
Được biết dự án tuyến metro số 2 dài hơn 11 km, có tổng mức đầu tư 2,1 tỉ USD từ nguồn vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng từ ngân sách.
Bộ GTVT, UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan đang tiến hành thủ tục thẩm định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án “Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM Bến Thành-Tham Lương” sử dụng vốn của ADB, KfW và EIB.
Trước đó, liên quan đến thẩm định điều chỉnh tổng mức đầu tư hai dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết về phần đội vốn hai dự án, Bộ GTVT đồng tình với giải trình của TP.HCM vì lập dự án ban đầu có một số hạng mục phải điều chỉnh, trong đó đáng chú ý là nguyên nhân trượt giá, nguyên-nhiên liệu tăng giá…
Báo Pháp Luật TP.HCM